Ngày 8/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững.
Dự Hội thảo, có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan cùng hơn 100 hội viên, doanh nghiệp ngành cao su.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, hằng năm, đóng góp của ngành cao-su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao su và gỗ cao su vào khoảng 7-8 tỷ USD.
Những kết quả trên chính là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp ngành cao su nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục... Không chỉ đóng góp vào kinh tế, cao su có những đóng góp vào độ che phủ rừng, an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là không mở rộng diện tích cao su nên ngành cao su tập trung tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững. Đây là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo VRA, bên cạnh những thuận lợi, ngành cao su Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới và những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam.
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp nêu những vướng mắc, những kiến nghị tập trung tháo gỡ về cơ chế chính sách.
Có công ty chưa được hoàn thuế cả trăm tỷ đồng
Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận cho biết, doanh nghiệp thu mua mủ từ nhiều địa phương khác nhau, đều đã đóng thuế đầy đủ tại các địa phương nhưng khi làm thủ tục hoàn thuế tại Tp.HCM lại phải chờ cơ quan thuế đi xác minh hoá đơn ở các tỉnh, thành. Cục thuế các tỉnh chưa có sự kết nối, gây chậm trễ trong việc xác minh, chậm trễ hoàn thuế cho doanh nghiệp, trong khi số thuế Công ty đã đóng lên đến hơn 50 tỷ đồng. Với tình trạng này, Công ty đã phải cắt giảm hoạt động, đôi khi có đơn hàng cũng không dám nhận vì không có vốn để thực hiện hoạt động nhập hàng, xuất khẩu.
“Có những hóa đơn từ vài năm trước đến giờ mới đi xác minh nhưng đơn vị đối tác đã ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc bị báo cáo có nợ xấu, trốn thuế… khiến doanh nghiệp không được hoàn lại số tiền thuế đã đóng”, bà Thu cho biết.
Đại diện của Công ty Hoa Sen Vàng, cho biết, trong 17 năm qua, công ty luôn được Bộ Công Thương bình chọn là doanh nghiệp uy tín và nhiều năm nay thuộc diện được “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, Hoa Sen Vàng phải chờ được cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ thì mới được hoàn thuế giá trị gia tăng. Việc kiểm tra vẫn đang được kéo dài đến thời điểm này với số tiền hoàn thuế mà công ty chưa được nhận hiện vào khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền chưa được hoàn thuế quá lớn, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng lên, khiến cho Hoa Sen Vàng đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Thương mại Hoàng Dũng, cho biết, 1 trong những vướng mắc lớn nhất của các công ty xuất khẩu cao su hiện nay là việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, các công ty xuất khẩu cao su chưa được các cơ quan thuế giải quyết về thuế giá trị gia tăng. Số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thuế của các doanh nghiệp, nhiều nhất lên tới 70 tỷ đồng. Doanh nghiệp ít thì cũng 20-30 tỷ đồng.
Theo ông Vinh, ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 7527/BTC-TCT về về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Theo đó, các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4 … Công văn này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vì trên thực tế không thể làm được.
Vì vậy, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 13706/BTC-TCT hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi công văn 7527/BTC-TCT. Theo đó, việc kiểm tra xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày và chỉ kiểm tra xác minh đối với người bán hàng trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu để xử lý hoàn thuế. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản sửa đổi này, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng đã được giải quyết.
Tuy nhiên, ngày 7/4/2022, Tổng cục Thuế lại ban hành văn bản gửi các cục thuế địa phương yêu cầu việc kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải kiểm tra các khâu trung gian từ F1, F2 đến Fn. Điều này khiến cho việc hoàn thuế giá trị gia tăng lại bị ách tắc như trước đây.
Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch VRA, cho biết, nếu khó khăn này không được tháo gỡ, xuất khẩu cao su sẽ không đáp ứng với tiềm năng sản lượng của hơn 265 ngàn hộ tiểu điền, hiện chiếm trên 60% sản lượng cả nước, trong bối cảnh giá thấp kéo dài và nhu cầu cao su sụt giảm.
Chính vì vậy, VRA và các doanh nghiệp xuất khẩu cao su đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các công ty xuất khẩu cao su.
Vướng mắc thuế thu nhập
Ngoài vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc lớn.
Bên cạnh vướng mắc về thuế giá trị gia tăng, liên quan tới chính sách thuế, các doanh nghiệp cao su còn gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su. Theo các quy định hiện nay, thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, được miễn thuế thu nhập. Nhưng thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su lại phải chịu mức thuế thu nhập hiện hành là 20%.
Đây là một điều bất hợp lý, vì cũng như những mặt hàng nông sản khác, việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục. Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác. Khi thanh lý có giá trị thu hồi, nhưng trong khi các loại cây trồng, vật nuôi khác được hưởng chính sách miễn thuế thì cây cao su lại phải chịu mức thuế cao.
Do đó, VRA đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như các sản phẩm trồng trọt khác.
VRA cũng kiến nghị Bộ Tài chính về việc đề nghị xem xét áp dụng chính sách miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng của vườn cây cao su tái canh trong thời gian xây dựng cơ bản. Bởi cao su là cây trồng lâu năm, giai đoạn xây dựng cơ bản (từ trồng đến lúc bắt đầu thu hoạch mủ) kéo dài khoảng 6 - 8 năm, tùy theo vùng sinh thái và giống. Sau 20 - 25 năm thu hoạch mủ, cây cao su sẽ được khai thác gỗ để trồng lại và tiếp tục chu kỳ tiếp theo.
Để tái canh, các doanh nghiệp cao su cần tập trung vốn đầu tư cho công tác phục hoang, trồng mới, chăm sóc trong 6-8 năm. Dự án trồng cao su tái canh là dự án độc lập với dự án trồng trồng cao su chu kỳ trước đó.
Trong thời gian xây dựng cơ bản ở chu kỳ mới, diện tích cao su tái canh chưa có sản phẩm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận, không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, càng gây thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.
Trả lời các nội dung doanh nghiệp nêu ra, bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chia sẻ: nếu so sánh với sản phẩm trồng trọt khác như cà phê, điều… thì việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 5% đối với mủ cao su sơ chế và 10% với mủ cao su qua chế biến có vẻ không công bằng.
Tuy nhiên, việc tính thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ đầu vào, nếu không tính thuế giá trị gia tăng cho mủ sơ chế thì các doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản đầu vào để hoàn thuế. Vì vậy, doanh nghiệp và hiệp hội nên cân nhắc đến kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho mủ cao su sơ chế.
Cùng quan điểm, ông Trần Minh Quốc, Phó phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế Tp.HCM phân tích, về bản chất, thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm đều do người tiêu dùng chi trả, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ tạm ứng đóng trước và làm thủ tục hoàn thuế sau đó.
Ông Trần Minh Quốc cũng nhấn mạnh, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế trên địa bàn Tp.HCM đều đảm bảo đúng quy định pháp luật, việc xác minh hoá đơn là công đoạn bắt buộc. Tuy nhiên, tỷ lệ và mức độ xác minh cũng được dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Với thời gian trả lời xác minh hoá đơn thông thường hiện nay là 10 ngày, một số trường hợp phức tạp thì không quá 30 ngày. Các doanh nghiệp đang có vướng mắc về thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục thuế Tp.HCM có thể cung cấp thông tin cụ thể thông qua Hiệp hội để Cục thuế rà soát và có phản hồi chính xác nhất về các vấn đề của doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Thuận cho rằng, các chính sách thuế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần sự quan tâm của Bộ Tài chính để chính sách thuế được tháo gỡ nhanh hơn, tốt hơn, hỗ trợ cho ngành cao su phát triển.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng mủ cao su sơ chế vào sản xuất ra sản phẩm công nghiệp trong nước nhiều hơn thay vì chủ yếu xuất thô như hiện nay. Về lâu dài, cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã để liên kết diện tích cao su tiểu điền, qua đó triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người trồng cao su và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến.
T.M (tổng hợp)