vĐồng tin tức tài chính 365

Kết nối hạ tầng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư Việt Nam - Campuchia

2022-11-09 16:26
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tham quan một số gian hàng giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen tham quan một số gian hàng giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia. (Ảnh: Nhật Bắc).

“Campuchia mong muốn tham gia chuỗi liên kết sản xuất với Việt Nam, có thêm các dự án hợp tác đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô…” là quyết tâm được Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định với người đồng cấp - Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng các doanh nghiệp hai nước có mặt tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia hôm 8/11.

Lời khẳng định của ông Hun Sen có sự tương đồng với tầm nhìn chiến lược được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại diễn đàn, đó là cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia để nâng cao năng lực nội tại nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ở mỗi nước. Trọng tâm của kết nối này là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch…

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù tình hình thế giới thời gian qua có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến cả hai nước, song hợp tác về đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.

Đến nay, vốn đầu tư của Việt Nam đăng ký sang Campuchia đạt trên 2,93 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trong 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu ASEAN và trong top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế - xã hội Campuchia trong nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Campuchia.

Ở chiều ngược lại, Campuchia đã có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 70 triệu USD. Các dự án đang triển khai và có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước cũng như góp phần thúc đẩy nâng tầm quan hệ hai nước.

Đặc biệt, hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đạt kết quả ấn tượng, Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với năm 2020), 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021) và có khả năng sẽ vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, không những duy trì liên tục với mức độ tăng trưởng cao, thương mại song phương còn không ngừng chuyển dịch theo hướng cân bằng, bổ sung lẫn nhau.

Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế, trong đó đặc biệt gia tăng quy mô và tốc độ dòng chảy đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Chính phủ hai nước đang nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng cả cứng và “mềm” ngày càng tốt hơn.

Cụ thể, Campuchia đang xây dựng sân bay quốc tế mới tại Phnom Penh và Siem Reap. Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc từ Sóc Trăng (cảng Trần Đề) tới An Giang, từ TPHCM với Tây Ninh, cả hai tuyến này đều kết nối tới các cửa khẩu với Campuchia và một số tuyến đường khác…; đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt và các loại hình giao thông khác để kết nối liên vùng, liên quốc gia.

Về hạ tầng “mềm” là môi trường đầu tư kinh doanh, Campuchia đã ban hành Luật Đầu tư mới và Luật Đặc khu kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp. Cùng với đó, Campuchia đã ban hành chính sách mới về lao động nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, sức cạnh tranh cao hơn trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời đề nghị các bộ ngành hai nước tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030, khẩn trương hoàn thành Đề án "Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế".

Kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về tiềm năng, cơ hội và tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại với Campuchia, Thủ tướng Hun Sen khẳng định bảo đảm môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư. Đồng quan điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Xem thêm: lmth.326903tsop-aihcupmac-man-teiv-ut-uad-yahc-gnod-yad-cuht-ed-gnat-ah-ion-tek/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Kết nối hạ tầng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư Việt Nam - Campuchia”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools