Các chuyên gia cho rằng, lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của các nước phát triển là tác nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu. Các nước nghèo dù phát thải thấp nhưng lại phải hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, ngay tại COP27 lần này, nhiều lãnh đạo các nước đã cam kết tăng dần mức đóng góp tài chính khí hậu hỗ trợ các nước mới nổi và đang phát triển.
Phát biểu tại phiên họp "Ngày tài chính" thuộc khuôn khổ COP27, Ðặc phái viên của Liên Hợp Quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030 nhấn mạnh: Tài chính công bằng là chìa khóa để thúc đẩy hành động khí hậu.
Một loạt các cam kết hỗ trợ tài chính giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu đã được đưa ra tại Hội nghị COP27.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cam kết: "Hà Lan sẽ tăng mức đóng góp hàng năm cho tài chính khí hậu lên mức 1,8 tỷ Euro vào năm 2025, tức cao hơn khoảng 50% so với mức của năm 2021".
"Hôm nay, cùng với Senegal và với sự ủng hộ Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc, chúng tôi đã thành lập Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán. Tây Ban Nha sẽ đóng góp 5 triệu euro để quỹ này hoạt động", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của các nước phát triển là tác nhân lớn dẫn đến biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)
Ông James Cleverly - Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cho biết: "Tôi xin công bố khoản đóng góp 200 triệu Bảng của Vương quốc Anh. Và tôi hy vọng rằng nhiều nước khác sẽ cùng chung tay đóng góp. Quá trình hướng tới phát thải ròng bằng không trên toàn cầu sẽ cần tới sự đồng lòng của tất cả mọi người".
Pháp, Đức cũng đã ký các thỏa thuận cho vay để bổ sung 300 triệu Euro tài trợ ưu đãi cho Nam Phi hỗ trợ việc chuyển dịch khỏi nhiệt điện than.
Châu Phi là nơi có lẽ cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác, bởi đây là châu lục kém phát triển nhất, chỉ tạo ra 4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại phải hứng chịu một số hậu quả tồi tệ nhất của thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Ông Patrick V.Verkooijen - Giám đốc điều hành Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng, Hà Lan nói: "Các quốc gia châu Phi bày tỏ rõ rằng họ cần hỗ trợ tài chính để có thể thích ứng với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Họ cần 51 tỷ USD mỗi năm. Vậy hiện nay số tiền họ nhận được mỗi năm là bao nhiêu? 11 tỷ USD. Vậy là có một khoản thiếu hụt hàng năm khoảng 40 tỷ USD. Tương ứng với sự thiếu hụt ấy là những thiệt hại về tính mạng, sinh kế và suy giảm kinh tế".
Cũng tại COP27, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi thêm nguồn tài chính thích ứng với khí hậu. Ông nhấn mạnh: Nếu chúng ta không muốn chi trả nhiều hơn cho việc giải quyết hậu quả của thảm họa, chúng ta cần tăng cường đầu tư vào việc thích ứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47521654101112202-uah-ihk-hnihc-iat-pog-gnod-gnat-tek-mac-aig-couq-ueihn/et-hnik/nv.vtv