Đường ven sông Sài Gòn dọc theo khu dân cư Vinhomes Golden River BaSon, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các ý kiến xung quanh việc khơi thông con đường này.
- Ông Bùi Văn Hiếu (chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM):
Chủ đầu tư phải bàn giao hạ tầng
Năm 2004, UBND TP.HCM ban hành quyết định 150 (về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM), quy định rõ chiều rộng phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch của TP.HCM là từ 30 đến 50m. Khi UBND TP.HCM giao dự án có quỹ đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho cơ quan chuyên môn phân cấp quản lý, khai thác, sử dụng.
Sau khi hoàn tất xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ cơ quan chức năng để bàn giao hạ tầng kỹ thuật theo đúng chủ trương, quy hoạch được duyệt.
Theo quy hoạch, khu vực từ cầu Thủ Thiêm 1 đến rạch Văn Thánh quy hoạch đường và đất cây xanh công cộng khoảng hơn 24.100m2. Tuy nhiên, đến nay chưa thể xây dựng các hạ tầng khu vực này bởi kinh phí đầu tư cao do phải bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều. Sở Xây dựng sẽ đề xuất đầu tư khi TP có nguồn lực trong thời gian tới.
- Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM:
Nhiều phương án làm đường ven sông
Theo quy hoạch phân khu 1/2000 của khu trung tâm 930ha (duyệt năm 2012), từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến cầu Thủ Thiêm 2 không có đường sát theo sông Sài Gòn như đường Trần Trọng Kim trong dự án Vinhomes hay Sài Gòn Pearl.
Từ chân cầu Thủ Thiêm 1 về hướng trung tâm TP, sát bờ sông là khu đất dùng cho các chức năng khác, đường dọc sông được bố trí lùi vào phía trong một chút, xuyên qua khu dân cư. Khi qua khỏi các công trình này lại nối vào đường Phú Mỹ chạy sát bờ sông Sài Gòn.
Hiện khu vực này có mật độ dân cư cao, nếu muốn mở đường cần nhiều kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chức năng đang nghiên cứu triển khai Đề án phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045.
Đoạn sông Sài Gòn từ rạch Văn Thánh đến chân cầu Thủ Thiêm 2, quy hoạch phân khu 1/2000 không có con đường chạy sát bờ sông. Thực tế, khu vực này đã có một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh đi gần bờ sông, không nhất thiết phải có con đường ven sông.
Các tuyến đường nội bộ trong khu dự án thường không phải là đường khu vực, không tổ chức cho giao thông công cộng. Nếu muốn làm một tuyến đường chạy sát bờ sông ở đoạn từ rạch Văn Thánh đến chân cầu Thủ Thiêm 2 thì phải điều chỉnh quy hoạch khu vực này, kéo theo điều chỉnh các dự án trong khu vực.
Nhìn từ góc độ quy hoạch, cơ quan chức năng nên tổ chức giao thông để kết nối các tuyến, đoạn đường ven sông đã có sẵn hơn là điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 của khu vực này. Vì thực tế, đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh từ rạch Văn Thánh đến chân cầu Thủ Thiêm 2 cũng đã đi rất gần bờ sông, kết nối ra đường Tôn Đức Thắng. Chỉ cần tổ chức giao thông hợp lý vẫn kết nối tốt, các đoạn đường ven sông Sài Gòn sẽ được liên tục mà không cần phải điều chỉnh quy hoạch.
Tổ chức tuyến đi bộ dọc sông Sài Gòn
Trong chuyến khảo sát dọc sông Sài Gòn của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà chuyên môn đã đóng góp nhiều ý kiến cho việc phát triển sông Sài Gòn.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng không cần phải chờ quy hoạch hết chiều dài mới tính đến khai thác giá trị dòng sông. Có thể đồng thời làm quy hoạch ven sông để phát triển, khai thác lâu dài, vừa có thể tôn tạo cảnh quan, khai thác ngay giá trị của từng đoạn sông.
TP có thể làm ngay khoảng chục điểm vui chơi công cộng tại những đoạn sông dài từ 500 - 1.000m (như điểm đến ở bến cầu tàu Bình An) để người dân đến với không gian ven sông. Dọc hai bờ sông Sài Gòn từ cầu Sài Gòn đến khu trung tâm có thể tạo tuyến đường đi bộ để mỗi dịp lễ, Tết, người dân có thể gửi xe dọc tuyến đường và thả bộ, đạp xe vào khu trung tâm chơi lễ, xem pháo hoa. Việc này vừa tạo không gian đi lại ven sông, vừa tạo cơ hội cho các công trình dọc hai bên đường có thể mở các loại hình dịch vụ phục vụ người dân.
Trong chuyến khảo sát này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng: "Cái gì trước mắt làm được cần làm ngay, chứ không đợi chờ đến khi có quy hoạch".
Tại cuộc họp báo chiều 10-11, đại diện Sở GTVT cho biết hôm nay 11-11 sẽ làm việc với Saigon Pearl và Vinhomes để bàn việc tháo dỡ bức tường thông đoạn đường dọc sông Sài Gòn.
TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "Kết nối tuyến đường ven sông: Cơ hội hưởng thụ sông Sài Gòn", nhiều bạn đọc ủng hộ phương án dỡ bức tường chắn giữa hai khu dân cư để có thêm lựa chọn đi lại hiện tại và lợi ích lâu dài.
Xem thêm: mth.8190552201112202-gnoht-iahp-gnos-nev-gnoud/nv.ertiout