Toàn cảnh buổi giám sát của HĐND TP với UBND TP cùng các sở ngành - Ảnh: B.P.
Sáng 11-11, HĐND TP.HCM tổ chức giám sát UBND TP về việc thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Đoàn giám sát do Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn, phía UBND TP có Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cùng các sở ngành tham dự.
Đặt vấn đề về thông tin 197 dự án trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng đề nghị UBND TP cùng các sở ngành liên quan giải trình cụ thể hơn.
Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết 197 dự án trên hiện nay chỉ là tên, quy mô, tổng mức vốn, vị trí địa điểm, diện tích... chứ chưa đủ điều kiện để tổ chức kêu gọi đầu tư.
“Giờ nếu không chỉnh lý thì khi kêu gọi nhà đầu tư người ta hỏi gì cũng kẹt, hỏi gì cũng không biết, vậy thì làm sao kêu gọi. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì nhà đầu tư cũng chán nản, có kêu gọi thì họ cũng không tới nữa”, ông Hoan nói.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, điều kiện để tổ chức kêu gọi đầu tư hiện cũng chưa có quy định chuẩn, nên vừa qua UBND TP đã họp bàn và đề ra các hướng giải pháp từ các nguyên nhân hiện hữu.
Cụ thể, nguyên nhân thứ nhất là việc chưa rõ thẩm quyền, dẫn đến chưa rõ nguồn lực. Trong 197 dự án có đầu tư công lẫn đầu tư tư vì vậy cần làm rõ phương thức, chủ trương đầu tư, cần xác định 197 dự án thuộc nhóm nào để áp dụng luật cho đúng. Việc chưa xác định được rõ loại dự án dẫn đến khó xác định nguồn lực đầu tư, pháp lý.
Thứ hai, tất cả dự án đều có quy hoạch nhưng có tình trạng rối ren giữa quy hoạch cũ đang vận hành và quy hoạch mới đang xây dựng. Nhiều nơi đã dừng quy hoạch cũ, nhưng quy hoạch cũ lại chính là cơ sở để xây dựng, định hình quy hoạch mới. Đồng thời, quy hoạch có nhưng hiện trạng sử dụng đất không còn như cũ.
Thứ ba là đất chưa sạch, chưa hoàn tất việc thu hồi và công tác thu hồi cũng rất khó khăn vì nếu TP muốn có đất sạch tại các dự án tư nhân để giao cho nhà đầu tư thì phải bơm tiền để thu hồi nhưng khi đó, dự án trở thành đầu tư công do có yếu tố vốn nhà nước.
Cuối cùng là quy trình đấu thầu, theo lãnh đạo TP, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất rất quan trọng và cần có tiêu chí khi đưa một dự án ra đấu thầu. Qua đó, có thể thấy việc nhà đầu tư đề xuất dự án là việc cần khuyến khích.
“Đấu thầu chọn nhà đầu tư có nghĩa là dự án đó có quy mô đó, khi đấu thầu chúng ta nên khuyến khích nhà đầu tư đề xuất, thiết kế thế nào cho hợp lý, đạt chuẩn, để họ khai thác hiệu quả. Thế mạnh của đầu tư tư nhân là khi đã được duyệt phương án, nhà đầu tư sẽ bơm vốn và thực hiện ngay, không cần xin ý kiến từng khâu như các dự án đầu tư công", ông Hoan nói.
197 dự án bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau
Trước đó, tháng 6 vừa qua TP.HCM chấp thuận danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư với 197 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 943.000 tỉ đồng (tương đương gần 43 tỉ USD).
Các dự án bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có hạ tầng giao thông như dự án trục cao tốc và các tuyến quốc lộ kết nối khu vực lân cận của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; dự án đường trục động lực quốc lộ 50; đường Võ Văn Kiệt nối dài...
Lĩnh vực môi trường, xử lý rác, xử lý nước và giảm ngập nước, TP kêu gọi đầu tư vào các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư có nhiều dự án quy mô lớn như khu đô thị Hiệp Phước, khu đô thị đại học Hưng Long…
Ngoài ra, TP cũng kêu gọi đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao, du lịch…
TTO - TP.HCM cũng chiếm phân nửa tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm thành công trong cả nước tính đến tháng 9-2022.