Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo ASEAN dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - Ảnh: DƯƠNG GIANG
Tình thế hiện nay cũng như tầm nhìn của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang khá bấp bênh và rất dễ lâm vào những cuộc khủng hoảng mới.
Trong khi đó ASEAN vẫn đang ứng phó với những thách thức rất mới và ngày càng phức tạp hơn, cái nọ nối tiếp cái kia trên nhiều phương diện kinh tế - xã hội, môi trường và địa chính trị.
Là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Campuchia muốn chứng tỏ rằng ASEAN có thể thúc đẩy các nguyên tắc cốt lõi nhất của khối về hội nhập và sự kết nối xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, những điều sẽ giúp ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan trong khu vực cũng như thúc đẩy hồi phục kinh tế của toàn khối.
Để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng sản xuất và để trở thành một trung tâm của khu vực về đầu tư, công nghệ và phân phối, Campuchia cũng muốn khuyến khích sự hội nhập cả về hạ tầng "cứng" lẫn "mềm", đặc biệt là số hóa. Điều này sẽ thúc đẩy tiềm năng kinh tế của Campuchia.
Là nước chủ nhà ASEAN năm nay, Campuchia đối mặt với quá nhiều vấn đề của khu vực cũng như thế giới đan xen nhau và vẫn đang tiếp tục phức tạp hơn. ASEAN cũng như phần còn lại của thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt.
Hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương chưa bao giờ cần thiết hơn lúc này. Chúng ta chỉ có thể là một khối tiến về phía trước nếu chúng ta kết hợp với nhau để huy động một sự hợp tác nhiều bên và chú trọng tới hành động cụ thể.
Các tuyên bố chung quan trọng sẽ được thông qua tại hội nghị lần này như Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về "ASEAN hành động: Cùng ứng phó thách thức", và Tuyên bố nghị sự kết nối ASEAN sau 2025.
Những định hướng về chính sách này khẳng định cam kết của ASEAN với việc xây dựng tương lai của khối như một cộng đồng đoàn kết, bao trùm, bền vững và dựa trên luật lệ; một cộng đồng dồi dào về cơ hội, nơi tất cả mọi người đều được tận hưởng sự kết nối thông suốt, sự phát triển kinh tế công bằng, một môi trường lành mạnh và một sự bảo vệ xã hội công tâm.
Để thúc đẩy ASEAN như một khu vực mở, minh bạch và bao trùm trong khi vẫn đề cao "vai trò trung tâm" và "đoàn kết" của ASEAN trong khi thiết lập các quan hệ quốc tế và khu vực, ASEAN phải tiếp tục bảo vệ các tiêu chuẩn của hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Cùng với đó, mọi quốc gia ASEAN phải củng cố hợp tác an ninh, quốc phòng trên nguyên tắc không để cho bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của nước này để làm phương hại tới an ninh và lợi ích của nước kia.
ASEAN có thể hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, ứng phó với các vấn đề hiệu quả hơn, cùng nỗ lực hướng tới một sự phát triển và thịnh vượng của khu vực trong một môi trường tự do và hòa bình. Điều này là nhờ vào sự đoàn kết và quyết tâm của các chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Nếu ASEAN hoàn toàn tự tin và hoàn toàn tin tưởng vào các thành viên của khối, ASEAN sẽ tiếp tục vun đắp "tinh thần ASEAN", thượng tôn tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết khi chúng ta chủ động nỗ lực cùng nhau vượt qua những trở ngại và mở đường hướng về tương lai tươi sáng hơn cho ngôi nhà chung ASEAN.
Hãy để các thành viên ASEAN tập trung vào việc đạt được mục tiêu phát triển chung về hòa bình, ổn định và tiến bộ của khu vực. Những gắn kết mạnh mẽ được gầy dựng qua nhiều năm tháng nỗ lực, cống hiến và kiên định chứ không phải tự nhiên mà có.
Duy trì sự thống nhất, đoàn kết và vai trò trung tâm là những điều quan trọng nhất để khu vực của chúng ta tiếp tục bền vững và kiên cường vượt qua những gì phía trước. ASEAN phải trân quý và biết ơn về những gì mà các giá trị đó đã mang lại cho toàn khu vực.
TTO - Cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng" để chủ động ứng phó mọi thách thức, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển bền vững, củng cố đoàn kết tự cường để ứng phó với các vấn đề nóng đang nổi lên.
Xem thêm: mth.44903248021112202-uahn-gnuc-gnod-hnah-us-cuht-yah-naesa/nv.ertiout