Cô trò Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM trong một giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tôi từng là một giáo viên, từng có những học trò kính trọng mình, từng có những phụ huynh yêu quý mình nhưng giờ đây tôi không còn ở cương vị giáo viên nữa mà là một phụ huynh. Tôi xin góp thêm chút tiếng lòng của mình với cương vị là một "cựu giáo viên".
Lo khi họp phụ huynh
Hồi đó, tôi dạy ở trường quốc tế và trước mỗi ngày họp phụ huynh, thường giáo viên chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ.
Thậm chí, phải dự đoán và chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi mà phụ huynh có thể đặt ra trong buổi họp phụ huynh. Và, trước ngày họp cho đến tận ngày diễn ra cuộc họp, hầu như tất cả chúng tôi đều căng thẳng.
Chúng tôi lo lắng cho đến khi tất cả các phụ huynh ra về mới "thở phào nhẹ nhõm" nếu như phụ huynh không đặt câu hỏi khó, nếu như lớp mình không có vấn đề gì trầm trọng cần giải quyết.
Đó là nỗi lòng của chúng tôi trước mỗi kỳ họp phụ huynh, trong khi phụ huynh chỉ cần đến họp với một tâm thế khá nhẹ nhàng.
Vì vậy, giờ đây tôi không lạ gì khi một cô giáo của con tôi đứng trước lớp, trước mấy chục phụ huynh và tỏ ra căng thẳng, không thể phát biểu được rồi phải cần có những tràng vỗ tay động viên tinh thần cho cô lấy lại sự tự tin. Tóm lại, trước mỗi kỳ họp phụ huynh, giáo viên ít nhiều bị áp lực, có khi là rất nặng.
Tuần rồi tôi đi họp phụ huynh cho hai con của mình, một lớp 1 và một lớp 4. Với cô giáo lớp 1, cô nói rằng cô rất sợ phải thu tiền từ phụ huynh ngoại trừ những khoản bắt buộc phải thu giùm.
Cô bảo việc thu tiền của học trò, của phụ huynh là việc vô cùng nhạy cảm nên trong group Zalo của lớp, thậm chí cô không dám mở miệng xin tiền đóng góp của phụ huynh về việc dán kiếng hay treo rèm cho lớp học.
Cô phải đợi đến buổi họp hôm nay, xin ý kiến của tất cả mọi người mới dám làm. Và khi thu, cô cũng chọn một giải pháp nào để thu ít tiền của phụ huynh nhất. Thậm chí, có những khoản nho nhỏ, cô cũng tự bỏ tiền túi ra luôn.
Trân quý chữ "thầy"
Rồi đến hôm qua họp phụ huynh cho đứa con học lớp 4, tôi lại nghe thầy bảo đại ý là bây giờ cầm cây thước chỉ dám chỉ chữ viết trên bảng chứ không bao giờ dám vung thước gần học trò, sợ chúng quay clip rồi có những chuyện không hay. Giờ giáo viên sợ học trò chứ học trò không còn sợ mình nữa.
Làm thế nào để chữ "thầy" đúng nghĩa là thầy, vai trò của người thầy đúng nghĩa là lực lượng đang thực thi một công việc cao quý là "trồng người".
Xin phụ huynh và các em học sinh đừng xem thầy cô là "công cụ" dạy học, là phương tiện để các con em có bằng cấp, cho mục đích hoàn thành cấp bậc, đừng xem họ là người - làm - nghề - dạy - học mà hãy xem và tôn trọng họ theo đúng nghĩa là người thầy. Xin đừng để công nghệ ngày càng phát triển mà tình nghĩa thầy - trò ngày càng bị thu hẹp.
Xin để những giá trị truyền thống tốt đẹp về người thầy đối với học trò luôn là sự biết ơn, trân trọng vì họ không chỉ là người dạy học mà còn dạy con em làm người.
Thiếu tự tin vì... sợ
Tự dưng tôi thấy thương cho những thầy cô giáo thời bây giờ quá. Mỗi việc làm, mỗi hành động của mình bây giờ trở nên bó buộc, thầy cô thiếu tự tin vì... sợ.
Và chính vì nỗi sợ đó mà thầy cô bỗng nhiên e dè hơn trong cách hành xử, e dè hơn trong cách dạy học trò, e dè hơn trong việc kết nối với phụ huynh.
TTO - Sáng 12-11, Tổ chức Giáo dục và Đào tạo FAROS (TP.HCM) đã tổ chức diễn đàn "Giáo viên bỏ nghề: Vấn đề và giải pháp".
Xem thêm: mth.59442359041112202-uc-gnoc-hnaht-oc-yaht-ed-gnud-oaig-ahn-gnol-ion-nad-neid/nv.ertiout