vĐồng tin tức tài chính 365

'Cảnh sát ác quỷ' khét tiếng Hong Kong

2022-11-14 11:25

1h ngày 17/3/2006, hai cảnh sát Tằng Quốc Hằng (Tsang Kwok-hang) và Tiển Gia Cường (Sin Ka-keung) bị một tay súng phục kích khi đang tuần tra đường hầm bộ hành giữa khu vực Tsim Sha Tsui và Kwun Chung.

Cường thấy hắn nấp ở cầu thang phía bắc đường hầm và đang cố gắng tiếp cận anh. Khi bị phát hiện, hắn bắn trúng đầu, chân trái của Cường và trúng đầu Hằng.

Hai cảnh sát lập tức đáp trả. Cường bắn trượt hai phát đạn, còn Hằng hạ gục tay súng bằng 5 phát trúng đầu và thân trên. Hằng cất súng vào bao da và gọi tiếp viện trước khi gục xuống vì vết thương quá nặng. Sau cuộc đấu súng, Hằng hy sinh, còn Cường sống sót.

Từ Bộ Cao (quần màu be) nằm cạnh cảnh sát Tiển Gia Cường trên sàn, cảnh sát Tằng Quốc Hằng nằm trên bậc thang ở hiện trường cuộc đấu súng năm 2006. Ảnh: Eastweek

Từ Bộ Cao (quần màu be) nằm cạnh cảnh sát Tiển Gia Cường trên sàn, cảnh sát Tằng Quốc Hằng nằm trên bậc thang ở hiện trường cuộc đấu súng năm 2006. Ảnh: Eastweek

Danh tính tay súng và cuộc điều tra sau đó gây chấn động. Kẻ sát nhân là cảnh sát tên Từ Bộ Cao (Tsui Po-ko). Hung khí là khẩu súng lục ổ quay thuộc về cảnh sát Lương Thành Ân (Leung Shing-yan), từng bị đánh cắp trong cuộc tấn công năm 2001, khiến Ân thiệt mạng.

Khi đó, cảnh sát Ân, 24 tuổi, nhận lệnh đến kiểm tra một căn hộ gọi điện phàn nàn về tiếng ồn ở tòa nhà Shek Wai Kok, lúc 12h05 ngày 14/3/2001. Ân đi một mình vì đồng đội đang ăn trưa. Lúc 12h25, Ân gọi radio về đơn vị, thông báo đã đến căn hộ nhưng không ai đáp lại tiếng gõ cửa.

Ngay sau đó, đồn cảnh sát nhận được một cuộc gọi khác, nói rằng nghe thấy tiếng súng và có một cảnh sát nằm bất tỉnh trong tòa nhà. Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện Ân đã tử vong, bị bắn 5 phát đạn ở cự ly gần. Một khẩu súng lục đầy đạn và thiết bị nạp đạn nhanh có sẵn 6 viên đạn của Ân biến mất.

Lời phàn nàn về tiếng ồn có thể chỉ là giả vì được gọi từ sim rác. Cảnh sát nghi có kẻ cố ý dụ họ đến để cướp súng. Đội cảnh sát vũ trang phong tỏa tòa nhà và khám xét. Khoảng 3.000 người, trong đó có 2.000 cảnh sát, bị thẩm vấn nhưng không phát hiện ra thủ phạm.

Sau khi phát hiện súng của Ân nằm trong tay Cao, các xét nghiệm pháp y cũng cho thấy ADN trên chiếc khẩu trang tìm thấy tại hiện trường vụ án trùng khớp với Cao. Cao không bị phát hiện vào năm 2001 vì những người chưa từng bị kết án sẽ không có hồ sơ lưu trữ ADN trong hệ thống tư pháp Hong Kong.

Điều tra sâu hơn, cảnh sát phát hiện Cao còn gây ra vụ cướp ngân hàng vào ngày 5/12/2001. Chuyên gia đạn đạo pháp y xác định khẩu súng hắn trộm từ cảnh sát Ân cũng được dùng trong vụ cướp này.

Lúc 12h10 ngày 5/12/2001, Cao đeo mặt nạ, cầm súng xông vào chi nhánh ngân hàng Hang Seng ở Tsuen Wan. Nhân viên bảo vệ 31 tuổi vật lộn với Cao, tử vong sau khi bị bắn ba phát. Cao bỏ chạy khỏi ngân hàng với 490.000 HKD và 1.000 USD tiền mặt. Cảnh sát theo dấu vào khu mua sắm Belvedere Garden nhưng hắn đã trốn thoát qua một lối ra khác.

Từ mô tả của một số nhân chứng nhìn thấy tên cướp cởi bỏ mặt nạ, cảnh sát vẽ chân dung nghi phạm là một người đàn ông tóc ngắn, cao khoảng 1,8 m, treo thưởng hai triệu HKD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ. Cảnh sát ghi nhận rằng vũ khí của tên cướp có vẻ là một khẩu súng lục ổ quay của cảnh sát.

Từ Bộ Cao cầm súng cướp ngân hàng năm 2001. Ảnh: kknews

Từ Bộ Cao cầm súng cướp ngân hàng năm 2001. Ảnh: kknews

Sau khi Cao chết, cảnh sát phát hiện hắn khớp với mô tả về nghi phạm theo hình ảnh được ghi bởi camera giám sát. Bằng chứng quan trọng là chiếc áo màu đỏ, đôi giày hiệu Mizuno và đặc điểm thuận tay trái.

Chiếc áo màu đỏ có logo giống hệt chiếc áo tên cướp mặc được tìm thấy tại nhà Cao sau khi hắn chết. Chiếc áo mang biểu tượng của Lễ hội du lịch môtô quốc tế Ngân Xuyên là món quà thư ký câu lạc bộ tặng cho Cao khi hắn đến dự triển lãm vào năm 2000.

Cao cũng được xác định xuất hiện ở gần hiện trường. Hắn lên xe buýt từ Tung Chung lúc 11h11 bằng thẻ của vợ, sau đó lên một chiếc xe buýt nhỏ đến Tsuen Wan lúc 11h53.

Cảnh sát phát hiện sau vụ cướp ngân hàng, trong tài khoản của Cao có một khoản tiền không xác định là 558.000 HKD, được gửi bằng tiền mặt. Hắn chia tiền ra để gửi vào 19 tài khoản cá nhân, đều dùng địa chỉ nhà bạn để đăng ký sau tháng 12/2001.

Sau vụ cướp, Cao xuất cảnh 53 lần, bao gồm 35 lần đến Trung Quốc đại lục và 7 lần đến Ma Cao, tiêu tốn gần 200.000 nhân dân tệ.

Vợ chồng Cao mua một căn hộ vào tháng 8/1997 và trả 574.800 HKD bằng tiền mặt. Hai năm sau, hắn mua một căn hộ, trả trước 396.000 HKD, trả hết hai khoản thế chấp 388.000 HKD vào năm 2001 và 500.000 HKD vào năm 2004.

Cảnh sát cáo buộc rằng các giao dịch không phù hợp với mức lương của một cảnh sát và 500.000 HKD tiền mặt có nguồn gốc không xác định phù hợp với số tiền bị đánh cắp trong vụ cướp ngân hàng năm 2001.

Ba vụ án gây chết người trong sáu năm đều liên quan đến Cao. Với vai trò là một cảnh sát, động cơ của Cao gợi nhiều phỏng đoán.

Sau gần một năm điều tra và thu thập chứng cứ, tòa án Hong Kong xét xử ba vụ án vào ngày 26/2/2007.

Cảnh sát thu thập 300 thùng chứng cứ, bao gồm lượng lớn tài liệu, và triệu tập hàng trăm người có liên quan tới tòa. Bộ mặt thật của Cao, được gọi là "cảnh sát ác quỷ", dần được hé lộ.

Từ Bộ Cao từng là cảnh sát giỏi, được mệnh danh thiện xạ. Ảnh: Eastweek

Từ Bộ Cao từng là cảnh sát giỏi, được mệnh danh "thiện xạ". Ảnh: Eastweek

Cao sinh năm 1970 ở tỉnh Phúc Kiến, chuyển đến Hong Kong cùng mẹ vào năm 1978. Cao gia nhập lực lượng cảnh sát năm 1993. Nhờ thành tích xuất sắc trong các môn thể lực và bắn súng, hắn nhận được chứng chỉ tốt nghiệp của Học viện Cảnh sát Hong Kong, đến phục vụ ở các sân bay, đội cơ động.

Được gọi là "thiện xạ", kết quả công việc tốt nhưng mối quan hệ giữa Cao với các đồng nghiệp không hài hòa. Hắn thường cãi vã với sếp, không thích giao lưu với đồng nghiệp.

Năm 2000, Cao đăng ký thi thăng cấp lên cảnh sát trưởng. Trong hơn 2.000 ứng viên, hắn đạt 68 điểm - số điểm cao nhất trong các sĩ quan cảnh sát nam. Cao tự tin sẽ được thăng chức, nhưng cấp trên hai lần từ chối tiến cử Cao đi phỏng vấn vì vấn đề tính cách.

Năm 2003, Cao tiếp tục thất bại khi muốn thi vào đội đặc nhiệm của sân bay. Năm 2005, hắn nộp đơn xin làm nhiệm vụ tại công viên Disney khá xa xôi và được chấp thuận. Chín đồng nghiệp của Cao tại Disneyland nhận xét hắn là người vui vẻ, chăm chỉ, thích thể thao. Cao còn làngười chồng, người cha tốt trong mắt hàng xóm.

Tuy nhiên, trước tòa, bạn thân của Cao, cựu cảnh sát Lý Nghệ, tiết lộ Cao thường xuyên tìm gái mại dâm ở Thâm Quyến và Hong Kong từ năm 1999, đôi khi một tuần một lần.

Cao còn chơi cờ bạc với số tiền rất lớn. Năm 2004, hắn đặt cược 75.000 HKD vào một trận bóng đá và thắng 210.000 HKD.

Một phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Thành phố Hong Kong cho rằng Cao, giống như nhiều tội phạm, không biết cách đối mặt với thất bại, chọn con đường bất hợp pháp để đạt được các mục tiêu như tiền bạc, uy tín hoặc sự công nhận.

Một chuyên gia tội phạm của FBI tin rằng hành vi của Cao phù hợp với hầu hết các định nghĩa về chứng rối loạn nhân cách phân liệt. Một chuyên gia từ Đại học Công nghệ Queensland cho biết hồ sơ tính cách của Cao phù hợp với một kẻ giết người hàng loạt có niềm tin rằng hắn được định trước sẽ thay đổi thế giới, cố vượt lên cuộc đời tầm thường và đóng vai Chúa bằng cách tước đoạt mạng sống.

Ngày 25/4/2007, bồi thẩm đoàn nhất trí kết tội Cao là kẻ sát hại ba nạn nhân trong ba vụ án, hành động bắn trả của Tằng Quốc Hằng là hợp pháp.

Vụ án của Từ Bộ Cao trở thành chủ đề của nhiều tác phẩm như phim điện ảnh Mad Detective (2007), phim truyền hình A Great Way to Care (2009), The Men of Justice (2010), phim tài liệu Anatomy of a Crime: HK's Rogue Cop (2011).

Tuệ Anh (Theo SCMP, Cyol, Standard)

Xem thêm: lmth.7894354-gnok-gnoh-gneit-tehk-yuq-ca-tas-hnac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Cảnh sát ác quỷ' khét tiếng Hong Kong”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools