Thị trường tiếp tục chứng kiến lực bán ồ ạt ở tất cả các nhóm ngành, VN-Index đã phá ngưỡng hỗ trợ để chạm chân vào mốc 900 điểm, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/11, VN-Index giảm 29,14 điểm, tương đương 3,1% xuống 911,9 điểm. Toàn sàn chỉ có 43 mã tăng, còn lại 429 mã giảm, trong đó 199 mã giảm kịch biên độ.
HNX-Index giảm 7,67 điểm xuống 175,78 điểm. Toàn sàn có 26 mã tăng, 182 mã giảm và 19 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 3,51 điểm xuống 63,3 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 26 mã giảm, 4 mã giữ được sắc xanh.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.322 tỷ đồng, tăng 6% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng tăng 3,7% lên 9.797 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 5.232 tỷ đồng.
Rủi ro điều chỉnh là vẫn ở mức cao
Chứng khoán TPS: VN-Index có phiên sụt giảm thứ 2 liên tiếp và tiến gần mức hỗ trợ 900 điểm, qua đó cho thấy sự áp đảo của bên bán trên thị trường. Mặc dù lực mua đã có dấu hiệu cải thiện khi chỉ số chung test mức 900 điểm nhưng áp lực bán từ nhà đầu tư cá nhân và tình trạng force sell của các công ty chứng khoán vẫn chưa có tín hiệu đảo chiều. Cùng với đó, việc chỉ báo Relative Strength Index (RSI) và MACD duy trì đà lao dốc cho thấy rủi ro điều chỉnh là vẫn ở mức cao.
Chờ thêm những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường
Chứng khoán PSI: Tại đồ thị giao dịch ngày là một cây nến giảm điểm với bóng nến trên và dưới tiếp tục phản ánh 1 phiên giao dịch không mấy tích cực. Về cơ bản thì các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán khi vẫn có cả trăm cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn, dù thị trường được hỗ trợ bởi hoạt động bắt đáy từ khối ngoại và tác động tích cực từ thị trường thế giới. Việc khối ngoại mua ròng mạnh trở lại trong những phiên gần đây đang là động lực hỗ trợ VN-Index. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát kỹ động thái hỗ trợ để đánh giá trạng thái của thị trường.
Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Áp lực “giải chấp” trên diện rộng tiếp tục gây sức ép lên thị trường ngay từ đầu phiên giao dịch mới. Mặc dù, các chỉ số có động thái dừng giảm và “rút chân” nhẹ tại mốc tâm lý 900 điểm, tuy nhiên, diễn biến hồi phục này của thị trường chưa thuyết phục.
Lực cầu hỗ trợ chủ yếu đến từ một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, trong khi đó, phần lớn cổ phiếu vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái giảm sâu. Với động thái hỗ trợ còn mờ nhạt quanh ngưỡng tâm lý 900 điểm, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước và kỳ vọng lực cầu hỗ trợ tốt hơn tại vùng 880 điểm. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước áp lực “giải chấp” đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.
Tình trạng chênh lệch cung cầu
Chứng khoán TVSI: Áp lực bán trên bình diện chung của thị trường vẫn quá lớn so với khả năng hấp thụ của dòng tiền trong giai đoạn hiện tại khi số lượng cổ phiếu giảm và giảm sàn chiếm áp đảo. TVSI cho rằng lực cung bán chủ yếu vẫn từ hoạt động giải chấp cộng với tâm lý bán thu hẹp danh mục khi mất niềm tin của người cầm cổ phiếu.
Dòng vốn ngoại tiếp tục mua vào quyết liệt phiên thứ ba liên tiếp nhưng cũng không ngăn được tâm lý bán tháo của thị trường chung. Dưới góc độ kỹ thuật, đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.