Chị N.N.H. đã "vượt cạn" thành công nhờ sự can thiệp của các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - Ảnh: H.CHÂU
Trước đó chị N.N.H. (30 tuổi, nặng 140kg, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng béo phì, tiểu đường type 2.
Chị H. mang thai con so 33 tuần và chị cũng đã có tiền sử tăng huyết áp khoảng 4 năm nay.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy thai nhi phát triển bình thường, tuy nhiên thai phụ có nguy cơ rất cao với nhiều vấn đề như nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường...
Quá trình mang thai, bệnh nhân gần như nằm một chỗ nên loét các vùng tì đè. Đồng thời phải điều trị insulin 140 đơn vị/ngày, bên cạnh các thuốc huyết áp, kháng sinh và thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi.
Bác sĩ Lê Thị Tiến, phó trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết khi nhập viện bệnh nhân phù toàn thân, đường máu rất cao nên phải truyền insulin tĩnh mạch liên tục. Đặc biệt bệnh nhân có biểu hiện của nhiễm độc thai kỳ, nguy cơ sản giật...
Với tình trạng này, ngay cả ở người bình thường không mang thai cũng có thể gặp nguy hiểm.
Với tình trạng nguy hiểm của sản phụ, bệnh viện phải hội chẩn liên viện với bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để chỉ định chấm dứt sớm thai kỳ bằng các phương án mổ lấy thai chủ động. Nhưng do thai phụ nặng lên đến 140kg nên ca mổ diễn ra khá khó khăn vì tư thể mổ không thuận lợi.
"Quá trình mổ lấy thai, thành bụng bệnh nhân có lớp mỡ rất dày, bệnh nền nhiều nên có nhiều nguy cơ sau mổ như nhiễm trùng vết mổ, huyết khối tĩnh mạch, loét do nằm lâu. Nhưng ê kíp đã rất tích cực để đón bé trai khoảng 2kg khỏe mạnh chào đời" - bác sĩ Tiến cho biết.
Chị H. cho biết bị béo phì từ nhỏ, cân nặng luôn từ 120-140kg. Dù biết sẽ gặp nhiều nguy cơ cho bản thân nhưng chị H. vẫn quyết tâm làm mẹ.
Trong quá trình mang thai, do trọng lượng tăng lên nhanh chóng, chị không thể di chuyển, phải nằm trên giường hoàn toàn. Mọi sinh hoạt hằng ngày chị phải nhờ mẹ và chồng làm giúp.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Thị Thu Hương - phó trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đà Nẵng, đối với những thai phụ có nhiều bệnh nền như béo phì, tiểu đường, khi mang thai ngoài việc cần được thăm khám bởi các bác sĩ phụ sản, thai phụ cũng nên đến khám định kỳ chuyên khoa nội tiết.
Quá trình mang thai, sản phụ cũng cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và tập luyện vừa phải khoảng 30 phút/ngày.
Trong thời gian mang thai, thai phụ nặng cân nên sử dụng và dung nạp các chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa, hạn chế các thức ăn chứa nhiều tinh bột, chiên xào… để hạn chế nguy cơ.
TTO - “Sự sống của cô ấy là kỳ tích đầu tiên của chúng tôi” - đó là những cảm xúc vui mừng của đội ngũ bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khi cứu sống thai phụ nhiễm COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
Xem thêm: mth.22242555161112202-nac-touv-gk041-gnan-uhp-nas-tom-puig-nahc-ioh-neiv-hneb-iah/nv.ertiout