Nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn của Việt Nam tham dự triển lãm - Ảnh: BCT
Ngày 17-11, trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2022, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức hội thảo chuyên ngành "Thúc đẩy chuyển đổi số - hướng tới sản xuất thông minh".
Ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng nhà xưởng thông minh để tự động hóa trong sản xuất, đại diện công ty Trí Cường (TCI) cho rằng đây là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được thì doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh - vốn là một quá trình dài, cần có chiến lược và giải pháp phù hợp.
Đại diện của Công ty Samsung Việt Nam - đơn vị đang hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng nhà máy thông minh - cho biết đang tập trung vào các hoạt động tư vấn cải tiến, đào tạo chuyên gia tư vấn và khuôn mẫu, thúc đẩy sản xuất thông minh, hỗ trợ chuyên gia, triển khai đề tài phù hợp môi trường sản xuất Việt Nam, tối ưu hoá toàn bộ quy trình như phát triển, sản xuất, bán hàng. Tăng trình độ vận hành như tuân thủ giao hàng, năng suất, chất lượng, chi phí tồn kho, quản lý thiết bị, quản lý sản xuất.
Kế hoạch trong 2 năm (2022-2023), thông qua đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ chuyển đổi nhà máy thông minh cho 50 công ty và đào tạo 100 chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh.
Đến nay, Samsung đã tư vấn cho 26 công ty và đào tạo 51 chuyên gia tư vấn, giúp nâng cấp cấp độ nhà máy thông minh ở doanh nghiệp.
VIMEXPO 2022 với chủ đề “Kết nối để phát triển” - Ảnh: BCT
Ông Darryl Dong, chuyên gia tài chính trưởng của IFC tại Việt Nam, cho rằng chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp một doanh nghiệp thành công trong thời kỳ công nghệ số. Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh báo khi một khảo sát của McKinsey cho thấy những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó tốt hơn. Chuyển đổi số giúp cải thiện sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu trước các cú số.
Đồng tình, ông Phạm Tuấn Anh - phó cục trưởng Cục Công nghiệp, nhấn mạnh trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp tất yếu, mang tới nhiều cơ hội bứt phá, giúp thay đổi cách thức vận hành truyền thống của chuỗi cung ứng. Chuyển đổi số hiệu quả và thành công sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng thị phần và sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trước xu hướng thị trường khốc liệt.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong chuyển đổi số cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Tuấn Anh cho hay Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi như Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới.
Hơn thế nữa, để bắt kịp với xu hướng số hoá toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể là cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.
Triển lãm Quốc tế lần thứ 3 về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2022 do Bộ Công Thương chỉ đạo, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC) chủ trì, phối hợp được khai mạc ngày 16-11. VIMEXPO 2022 với chủ đề “Kết nối để phát triển” được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp trực tiếp kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, tiếp cận đối tác, mở rộng thị trường, đầu tư sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đọc được tin mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển, tháo gỡ vướng mắc giúp xây dựng ngành công nghiệp tự chủ, tôi có bài phân tích góp ý về Mô hình liên kết tạo ra giá trị cho "Ngành công nghiệp Thép ống Việt Nam".
Xem thêm: mth.19884437171112202-hnim-gnoht-taux-nas-ed-os-iod-neyuhc-ut-uad/nv.ertiout