Lớp học xóa mù chữ đặc biệt luôn tràn ngập tiếng cười - Ảnh: DUY NGỌC
Gần 2 tuần nay, tám lớp học xóa mù chữ đặc biệt của Trường tiểu học Vĩnh Hy (thôn Cầu Gãy) và Trường tiểu học - THCS Ngô Quyền (thôn Đá Hang) được duy trì đều đặn. Ở các lớp học này, học viên đều là bà con đồng bào Raglai đã lớn tuổi.
Việc cầm bút đối với bà con dường như khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay thêu thùa, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng, bởi tất cả đều có chung một ước mơ là được biết đọc, biết viết.
Ông Lê Đặng Huỳnh Sơn, phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Hải, cho biết lớp học ban đầu đã cho những kết quả tích cực và được bà con ủng hộ.
Mỗi đêm đến lớp là một đêm vui
Khi kim đồng hồ điểm 18h45 cũng là lúc những người phụ nữ, đàn ông dân tộc Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang sắp xếp xong xuôi việc nương rẫy, bếp núc để cùng nhau đến lớp học chữ do các giáo viên của Trường tiểu học Vĩnh Hy và Trường tiểu học - THCS Ngô Quyền đứng lớp.
Không gian núi rừng im ắng trở nên rộn ràng bởi những tiếng ê a tập đánh vần, phát âm chữ cái của những "học trò" đặc biệt.
Dù bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng anh Cao Văn Kem (ở thôn Cầu Gãy) vẫn hăng hái đến lớp và là một trong những học viên tích cực nhất. Anh Kem chia sẻ: "Mình không lái xe được nên mỗi tối mình phải sắp xếp đi sớm hơn 30 phút để đến lớp cho kịp giờ".
Dù đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng anh Cao Văn Kem vẫn đến lớp học chữ đều đặn - Ảnh: DUY NGỌC
"Trước giờ mình chưa được học chữ, bây giờ được học mình vui lắm. Đến lớp các thầy, các cô chỉ dạy rất nhiệt tình. Giờ mình cũng biết một ít chữ rồi và đã tự viết được họ và tên" - anh Kem vui vẻ.
Cũng hăng say học tập không kém, bà Lâm Thị Tiềm ở thôn Đá Hang không buổi tối nào vắng mặt, trên lớp bà rất hăng hái học chữ và làm toán dù đã 70 tuổi. "Đó giờ mình có biết chữ đâu, giờ được các thầy, các cô truyền dạy mình cũng đã biết đọc sơ sơ rồi. Đến lớp rất vui" - bà Tiềm phấn khởi.
"Muốn đi học để biết đọc, biết viết để chỉ cho con" - chị Cao Thị Chín (ở thôn Cầu Gãy) nói trong tiếng cười giòn tan đầy hy vọng.
Chị Cao Thị Chín (ở thôn Cầu Gãy) vừa bế con, vừa chăm chú nghe giáo viên giảng dạy - Ảnh: DUY NGỌC
Anh Cao Văn Giác, trưởng thôn Cầu Gãy, nói: "Ngày trước bà con không có điều kiện để đi học nên không biết chữ, mọi giao tiếp còn bị hạn chế rất nhiều. Khi biết sẽ mở lớp xóa mù chữ tại thôn, bản thân tôi cũng đã đi vận động bà con đi học.
Trong quá trình học tập trên lớp, bà con được các thầy, các cô hướng dẫn viết chữ, đọc chữ, làm các phép toán cộng trừ nhân chia. Đến với lớp học bà con ai cũng phấn khởi, vui mừng".
Quyết tâm "thắp sáng" con chữ cho bà con
Anh Cao Văn Lịch (ở thôn Cầu Gãy) nắn nót viết tên của mình - Ảnh: DUY NGỌC
Cô giáo Phú Thị Trường Hận, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hy, chia sẻ dù nét chữ viết còn nguệch ngoạc, tiếng đánh vần vẫn còn ngọng nghịu nhưng đó là sự nỗ lực không ngừng của bà con.
"Cả ngày dạy ở điểm trường chính cũng rất nhiều áp lực và mệt mỏi. Nhưng khi đến lớp thấy bà con có mặt đầy đủ và tích cực học tập, bản thân mình cảm thấy rất vui, bao mệt mỏi cũng tan biết hết" - cô giáo Hận cười nói.
Cô Trần Thị Kim Liên, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hy, cho biết đường đi đến lớp học chữ thôn Cầy Gãy rất khó khăn, phải qua một cây cầu treo rung rinh, lên các con dốc thẳng đứng, lại không có đèn đường nên mới đầu các giáo viên nữ rất sợ, nhưng giờ ai cũng quen và vui vẻ đến lớp.
"Trong lớp có trường hợp cả nhà gồm vợ chồng con cái cùng đi học. Khi chồng không làm được toán, vợ ngồi ở dưới nhắc khiến cả lớp cười ồ", cô giáo Liên vui vẻ kể.
Cô giáo Phú Thị Trường Hận, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hy, hướng dẫn bà con làm toán - Ảnh: DUY NGỌC
Theo cô Liên, lớp học chữ ở thôn Cầu Gãy bắt đầu từ 19h đến 21h, nhà trường đã bố trí 10 giáo viên để quản lý và đứng lớp giảng dạy. Đến nay đã có khoảng 73 học viên theo học. Sau gần hai tuần, nhiều bà con đã đọc thông, viết thạo
Còn thầy giáo Ngô Văn Hân, phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Ngô Quyền, cho biết lớp học chữ ở thôn Đá Hang có 4 lớp với khoảng 63 học viên, nhà trường bố trí bốn giáo viên đứng lớp. Mặc dù đi lại khó khăn, đặc biệt những lúc trời mưa đường trơn trượt, các giáo viên không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm "thắp sáng" con chữ cho bà con.
Dù đường đi khó khăn nhưng các cô giáo Trường tiểu học Vĩnh Hy luôn cố gắng để đem chữ đến với bà con thôn Cầu Gãy - Ảnh: DUY NGỌC
"Bà con rất siêng năng và ham học hỏi. Mặc dù cuộc sống khó khăn, cả ngày làm việc vất vả nhưng khi đến lớp, bà con rất lạc quan, yêu đời, sẵn sàng tiếp thu cái chữ một cách trọn vẹn. Điều đó khiến chúng tôi có thêm động lực.
Tôi rất vui tham gia đứng lớp học đặc biệt này. Hy vọng khi kết thúc lớp học, bà con sẽ biết chữ, biết tính toán để tự tin hơn và vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống", cô Châu Thị Hoàng Dung, giáo viên Trường tiểu học - THCS Ngô Quyền, xúc động nói.
TTO - Xóm Đèo nằm khuất mình bên đèo Chim Hút (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), có những học sinh dân tộc thiểu số H’rê khó nghèo.
Xem thêm: mth.21661306151112202-oac-oer-ion-teib-cad-ort-coh-gnuhn-auc-coh-pol/nv.ertiout