Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Tuần lễ cấp cao APEC ở Bangkok vào ngày 18-11 - Ảnh: Reuters
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng cần đi đầu trong việc thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công, với các yếu tố "cân bằng" trong hợp tác.
Giương ngọn cờ hợp tác
Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo APEC tổ chức tại Bangkok sau ba năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC cũng diễn ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp mà đặc biệt các cuộc cạnh tranh địa chính trị và thách thức kinh tế.
Giới quan sát khu vực chia sẻ quan điểm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại APEC. Theo đó, những khó khăn chung khiến các thành viên APEC nhìn thấy nhu cầu hợp tác lớn hơn.
"Sự kiện APEC diễn ra trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang rất dễ tổn thương, từ các cuộc xung đột địa chính trị cho đến các thách thức kinh tế. Theo tôi, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ kêu gọi tăng cường hơn nữa quan hệ song phương và hợp tác cùng có lợi" - GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong), chuyên gia về thương mại và toàn cầu hóa, nói với Tuổi Trẻ.
Khi đề cập tới hợp tác kinh tế và cạnh tranh địa chính trị, dư luận quan tâm tới Trung Quốc, một mắt xích quan trọng của kinh tế khu vực nhưng cũng là tâm điểm của một số vấn đề chờ giải quyết, từ chính sách zero - COVID cho tới cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.
"Đối với Trung Quốc, họ sẽ nhấn mạnh cách Trung Quốc trở thành lãnh đạo của khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối liên hệ kinh tế mạnh mẽ hơn trong khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xuống dốc" - ông Steven Okun, cố vấn cấp cao tại Công ty tư vấn McLarty Associates, nhận định với Tuổi Trẻ về sự góp mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2022.
Tương tự, GS Chaisse cũng cho rằng ông Tập sẽ cố gắng mang tới những tín hiệu tích cực ở cấp độ kinh tế.
Đề xuất của Việt Nam
Năm nay, APEC tiếp tục chào đón sự có mặt của nhiều lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn. Đáng chú ý, sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC có sự hiện diện của hai khách mời: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Hoàng thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia.
Việc ông Macron và ông bin Salman có mặt đã phản ánh nội hàm của chủ đề "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng" của APEC 2022, với ba định hướng ưu tiên của hợp tác APEC: cởi mở với tất cả các cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.
Để "cởi mở với tất cả các cơ hội", các nền kinh tế thành viên APEC có thể phát huy tiềm năng hợp tác với Saudi Arabia và Pháp cũng như Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Phát biểu tại phiên đối thoại và ăn trưa làm việc giữa các nhà lãnh đạo APEC với các khách mời, với sự góp mặt của ông Macron và ông bin Salman, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa APEC và EU cũng như với các quốc gia vùng Vịnh là rất lớn. Điều này xuất phát từ tính bổ trợ cao giữa các nền kinh tế và nền tảng hợp tác hiện có về thương mại, kinh tế và định hướng phát triển, theo Chủ tịch nước.
Để phát huy tiềm năng này và thúc đẩy hợp tác liên khu vực, Chủ tịch nước đề xuất nghiên cứu khả năng hình thành cơ chế đối thoại thường niên giữa APEC với đại diện EU, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ASEAN và một số tổ chức khu vực khác để tăng cường sự phối hợp giữa các diễn đàn, tổ chức và duy trì đà hợp tác.
Sáng nay (19-11), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bước vào những phiên làm việc cuối cùng tại Tuần lễ cấp cao APEC 2022 ở Bangkok trước khi trở về Hà Nội, trong đó có phiên họp hẹp với sự tham gia của đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC.
Cùng ngày, trưởng đoàn Thái Lan bàn giao vị trí chủ tịch APEC cho trưởng đoàn Mỹ.
Cơ hội cho ASEAN từ cạnh tranh Mỹ - Trung
Trao đổi với Tuổi Trẻ về bối cảnh kinh tế trước Tuần lễ cấp cao APEC năm nay, GS Julien Chaisse cho rằng cạnh tranh Mỹ - Trung tạo ra biến động lớn trong môi trường thương mại và đầu tư, trong đó phần còn lại sẽ phải tìm cách cân bằng và mở cửa hợp tác.
"Áp lực do Mỹ đặt lên Trung Quốc đang tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các công ty hay nhà máy đa quốc gia của Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang các nước châu Á bao gồm cả Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và thậm chí cả Ấn Độ", ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý Trung Quốc vẫn đóng vai trò rất lớn đối với kinh tế khu vực, đặc biệt là APEC, và Trung Quốc sẽ tận dụng dịp này để trấn an các đối tác về khả năng họ sớm mở cửa trở lại và đóng vai trò động lực then chốt cho nền kinh tế khu vực.
"Trước những diễn biến này, tôi nghĩ Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác sẽ làm rõ rằng họ chỉ muốn có mối quan hệ tốt với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đây sẽ là một tín hiệu chào đón cho khu vực và thế giới vốn dĩ cần sự ổn định", GS Chaisse bình luận.
TTO - Các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã tập trung tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 18-11 cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, kéo dài hai ngày.
Xem thêm: mth.5245738091112202-noh-cat-poh-noum-cepa-neihk-nahk-ohk/nv.ertiout