Tuy nhiên, năm 2023, các áp lực, rủi ro và thách thức đối với kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chủ yếu từ các yếu tố bối cảnh quốc tế.
Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội sáng 22/11 với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Với các yếu tố tác động như trên, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản.
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Đối với vấn đề lạm phát, việc kiểm soát tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm 2022 và với khả năng chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, xu hướng tăng giá nhiên liệu toàn cầu và việc duy trì ổn định tỷ giá, dự kiến cả năm 2022, lạm phát bình quân sẽ vào khoảng 3 - 3,2%, thấp hơn mục tiêu 4%.
Mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn. Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam, trong khi chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.
Với việc nhập khẩu phần lớn các nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, đặc biệt là xăng dầu, trong khi tỷ giá USD/VND có khả năng tiếp tục gia tăng trước sức ép đồng USD tăng giá mạnh, cùng với việc tăng mạnh thắt chặt điều kiện tài chính tại Mỹ dẫn đến áp lực nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam tăng cao.
Giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt. Cú sốc giá nhiên liệu dự kiến có thể giảm bớt vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra.
Trong khi đó, tổng cầu nội địa đang trong xu hướng phục hồi mạnh, nhất là ở các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng, du lịch. Điều này có thể khiến cho CPI tăng đến 4% vào năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.
Đáng chú ý, áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất, tỷ giá của Việt Nam.
Cùng quan điểm, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Xung đột Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, đồng USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.