Thủ tướng Chính phủ cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh Đông Nam Bộ: Đột phá mới - Tầm cao mới Ảnh: Lê Toàn.
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư Vùng Đông Nam Bộ đã chính thức khai mạc tại Bà Rịa – Vũng Tàu, với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”.
Chính thức công bố Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, Vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Tư duy mới, tầm nhìn mới cho Vùng Đông Nam Bộ
Theo Bộ trưởng, ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, ngày 23/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Theo đó, đến năm 2030, sẽ đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Cùng với đó, Đông Nam Bộ cũng sẽ là vùng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chính thức công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Ảnh: Lê Toàn |
Trong đó, TP.HCM, cực tăng trưởng kinh tế của Vùng, phải trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.
TP.HCM cũng sẽ được phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của Vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ…
Trong Vùng, TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới…
Rất nhiều mục tiêu lớn đã được đặt ra đối với Vùng Đông Nam Bộ. Để thực hiện được các mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
“Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển, đưa Đông Nam Bộ phát triển đột phá
Theo Bộ trưởng, Chương trình hành động của Chính phủ đã thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng…
“Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Các giải pháp, chính sách đặt ra cũng để nhằm đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
“Sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, tới đây, sẽ huy động tối đa nguồn lực cho phát triển Vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác.
Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong Vùng.
Về mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030.
Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng, như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%); tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 154 của Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó bao gồm công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; phát triển kinh tế vùng nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; và tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ để giúp vùng Đông Nam Bộ phát triển bứt phá.
Trong đó, đáng chú ý có các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không trong vùng và các dự án trung tâm thông tin, logistics của Vùng.
“Chính phủ cũng đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nhấn mạnh những quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng Đông Nam Bộ của Nghị quyết 24-NQ-TW và Nghị quyết số 154 về Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong Vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển.
“Đây là cơ sở để Vùng Đông Nam Bộ thực sự phát triển đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.