Hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam Bộ dù đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ nhưng chưa theo kịp nhu cầu
Một thông tin quan trọng đã được ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chia sẻ tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Đông Nam Bộ và Xúc tiến đầu tư Vùng, đó là dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Vùng Đông Nam Bộ lên tới khoảng 413.000 tỷ đồng.
Con số này được Bộ Giao thông - Vận tải tính toán dựa trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên thực tế, với vai trò là đầu tàu, là động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước, Đông Nam Bộ được quan tâm đầu tư rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Trong Vùng, có đầy đủ 5 phương thức vận tải, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Trong đó, chỉ riêng cảng hàng không dân dụng đã có hai, là Tân Sơn Nhất và Côn Đảo. Chưa kể, Cảng hàng không Long Thành cũng đang được đầu tư xây dựng giai đoạn I, với quy mô công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm.
Đường bộ thì có tổng chiều dài khoảng 11.838 km; đường sắt có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM; đường thủy nội địa có 4 tuyến hành lang chính đóng vai trò kết nối nội vùng, liên vùng…
Hệ thống cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương cũng đã được đầu tư với quy mô, trang thiết bị hiện đại. Trong đó, cảng Cái Mép - Thị Vải hiện thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một trong 21 cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn…
Được đầu tư lớn và có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong giai đoạn đến năm 2030, Vùng Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
“Hạ tầng giao thông trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ”, ông Thắng nói và nhắc đến tình trạng ùn tắc giao thông ở các địa phương trong Vùng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Vùng.
Trước thực tế này và để triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cần tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 413.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải, như: đường Vành đai 3 TP.HCM, các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành…, nâng tổng số kilomet đường bộ cao tốc trong Vùng Đông Nam Bộ lên khoảng 348 km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: Lê Toàn. |
Theo Bộ trưởng, tổng nhu cầu vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn này khoảng 167.746 tỷ đồng.
Còn trong giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong Vùng theo quy hoạch được duyệt. Chẳng hạn, đường vành đai 4 TP.HCM; các tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa... Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.
“Để triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững, thì nhiệm vụ đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc là hết sức cấp bách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và nhấn mạnh việc phải phát triển đồng bộ các hình thức vận tải, cả đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt... cho khu vực.
Vì cấp bách, nên theo Bộ trưởng, cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó có việc đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong Vùng trong công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn,tăng năng lực cạnh tranh.
Các biện pháp như thực hiện phân cấp phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hay đề xuất có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động nguồn vốn tư nhân… cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
“Cần huy động tối đa vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết Vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc vùng Đông Nam Bộ sẽ được tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ, đồng thời duy trì và giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước.