Ngày 27-11, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ giới thiệu ra mắt cuốn tiểu thuyết Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên - Một kiếp phàm nhân một kiếp thượng thần.
Cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành trung tuần tháng 11-2022.
Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyệt Thượng Thanh Phong (tên thật là Minh Châu) một cô gái đang ở tuổi 15. Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện về tình yêu, số phận, những biến cố của 12 vị Thượng thần cả khi ở trên thiên giới và lúc lịch kiếp xuống phàm trần. Cũng ở đó, tác giả đan xen những câu chuyện về thế sự, nhân sinh hết sức sâu sắc.
Đảm nhận vai trò dẫn chuyện tại buổi ra mắt, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ, việc một tác giả ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình ở tuổi 15 là một hiện tượng của văn học.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm và tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong. Ảnh: VT |
Nhà phê bình Thanh Tâm cũng cho biết, tác giả sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nho giáo, đó là môi trường hiếm hoi trong xã hội hiện đại ngày nay. Mẹ của Nguyệt Thượng Thanh Phong là một luật sư, ông bà cũng là những nhà giáo, nhà thơ... Điều đó giúp cho tác giả có điều kiện tiếp xúc với văn học nghệ thuật từ sớm.
Thừa nhận mình cũng là một người đọc sách chuyên nghiệp, tuy nhiên nhà phê bình Thanh Tâm cũng thừa nhận, mình khá vất vả khi đọc cuốn sách này. Nguyên nhân là bởi hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết khá dày, với nhiều tầng thông tin khác nhau.
Tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong cũng cho biết, em cũng mất khá nhiều công sức trong việc tính toán dòng thời gian của 12 nhân vật, thậm chí em còn phải dùng cả máy tính để tính toán.
Tuy nhiên, nữ tác giả trẻ tuổi này cũng cho hay, trong thời gian viết tiểu thuyết em đã tìm hiểu một số cái liên quan đến lịch sử, nhưng theo em thông tin trên mạng không phải cái gì cũng đáng tin.
“Nếu em mà viết sai cái gì thì sẽ bị chỉ trích khá là nặng nề. Thế nên em quyết định em tự tạo ra một thế giới riêng của em, với dòng lịch sử riêng trong thế giới của em để không đụng chạm đến bất kỳ một quốc gia nào và cũng sẽ không chịu bất kỳ một sự chỉ trích nào về mặt lịch sử”- Nguyệt Thượng Thanh Phong nói.
Nhà phê bình Thanh Tâm cũng cho rằng đó là một điều thú vị. Anh nói thêm, trong lý luận văn học và trong nghiên cứu thì nhà văn là thượng đế trong thế giới của mình, họ tạo ra thế giới của mình như một thượng đế. Tạo ra vùng đất, không gian, cho ai sống thì được sống, cho ai chết thì được chết, đó là quyền lực tối thượng của nhà văn.
Bìa cuốn sách Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên - Một kiếp phàm nhân một kiếp thượng thần. |
Ngôn ngữ trong tác phẩm thuộc về ngôn ngữ của dòng cổ trang, tác giả là một cô bé mới lớn lên trong thời đại 4.0 giữa vô vàn lối nói “trend” của giới trẻ. Bởi vậy mà cuốn sách này cũng giống như một cuốn từ điển để bạn đọc tra cứu, hiểu biết thêm về ngôn ngữ.
Nhà phê bình văn học Lam Nguyễn cũng khẳng định, tiểu thuyết ngôn tình huyền huyễn đã và đang nở rộ ở Trung Quốc, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, ngay kể cả tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong.
Tuy nhiên, tác giả đã có ý thức đưa thể loại này về gần gũi hơn với người Việt Nam, qua đó thể hiện ý chí muốn thể loại này cũng có bản sắc riêng của tác giả người Việt. Tiêu biểu cho điều này chính ở những câu thơ lục bát trong tác phẩm.
“Biểu đạt dưới hình thức của thể thơ dân tộc, Nguyệt Thượng Thanh Phong đã cho thấy một ước mơ chính đáng. Và không phải không thể, rằng một ngày Việt Nam cũng có những tác phẩm kinh điển, ăn khách, hợp thời và là điểm tựa tâm hồn cho những cô bé, cậu bé tuổi hoa nói riêng, quảng đại quần chúng nói chung”- nhà phê bình văn học Lam Nguyễn bày tỏ.