Những ngày cuối tháng 11-2022, anh Trần Văn Hóa (30 tuổi, ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng bạn gái chọn huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) làm nơi đi chơi cuối tuần.
Căn nhà nơi lưu giữ nhiều dụng cụ săn bắt voi. Ảnh: HĐ |
Anh Hóa chia sẻ: “Dù ở Tây Nguyên nhiều năm nay, nhưng chúng tôi chưa khi nào có dịp đến với khu vực nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đây là dịp để tôi và bạn gái cùng tìm hiểu về nguồn gốc của những người săn voi rừng để thuần dưỡng thành voi nhà nức tiếng cả nước”.
Nơi đầu tiên anh Hóa và bạn gái đặt chân đến đó là căn nhà dài Êman. Trong tiếng Êđê, Êman nghĩa là voi.
Căn nhà này đặt tại khu du lịch sinh thái Buôn Đôn (xã Krông Na). Bên trong lưu giữ nhiều bức ảnh tư liệu về vua săn voi, cùng nhiều dụng cụ săn bắt voi rừng thời xưa...
Tượng ông Y Thu Knul. Ảnh : HĐ |
Về xứ voi, không thể không nhắc đến vua săn voi Y Thu Knul (1828 – 1938), người tù trưởng có uy tín, giàu có bậc nhất vùng.
Ông là người mở đầu cho nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Buôn Đôn. Cũng là người khai sinh ra địa danh Bản Đôn và có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng (bằng dây da trâu).
Con voi trắng ông Ama Kông đem tặng. Ảnh tư liệu |
Năm 1861, ông Y Thu Knul bắt được con voi trắng (bạch tượng), đồng thời ông được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khunsanup - vua săn voi.
Trong cuộc đời của mình, vua voi Y Thu Knul đã bắt được khoảng 200 con voi.
Bành voi của vua săn voi Y Thu Knul. Ảnh: HĐ |
Ở độ tuổi ngoài 70, ông ông Y Thu Knul không tham gia săn bắt, thuần dưỡng, voi cũng như mua bán voi.
Toàn bộ sự nghiệp này, ông giao lại cho con trai là R’leo K’Nul (còn gọi là Ma Kông) kế tục sự nghiệp. Vua voi mất tại Buôn Đôn, hưởng thọ 110 tuổi.
Đội voi của hoàng gia Bảo Đại. Ảnh: HĐ chụp tại "bảo tàng" voi ở huyện Buôn Đôn |
Tiếp nối sự nghiệp của cha để lại, R’leo K’Nul cũng được người dân gọi vua voi.
Thời kỳ Pháp thuộc, ông được vua Bảo Đại thường xuyên mời đi săn cùng tại những vùng rừng Buôn Đôn, Lắk, Krông Nô và Nâm Nung. Ông R’leo K’Nul qua đời vào năm 1947, hưởng thọ 70 tuổi.
Thờ voi ở huyện Buôn Đôn. Ảnh: HĐ |
Đến đời thứ ba của gia tộc săn voi là ông Ama Kông, tên Êđê là Y Prông Êban. Ông có cha là người mang dòng máu Lào (M’nông) và mẹ là người Êđê (mang họ Êban).
Vị này cũng là người làm ra bài thuốc “độc nhất vô nhị” dùng để ngâm rượu, nhằm tăng cường sinh lý cho “phái mạnh”. Hiện con trai của ông là ông Khăm Phết Lào đang lưu giữ phương thức gia truyền của bài thuốc do cha mình để lại.
Ảnh tư liệu |
Ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn cho hay tại địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến gia tộc săn voi Y Thu Knul, đặc biệt tại căn nhà cổ của gia đình ông ở xã Krông Na.
“Hằng năm, có rất nhiều đoàn du khách đến đây để tìm hiểu về truyền thống gia tộc săn voi về cách săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đây là bảo tàng mini của gia đình gắn với ngôi nhà cổ hơn 200 năm” – ông Vũ Minh Thoại cho hay.