Nền tảng trong phát triển đô thị là thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch nên cần đầu tư thích đáng cho công tác này - Ảnh: VGP
Đó là chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra khi kết luận Hội nghị đô thị toàn quốc diễn ra ngày 30-11. Hội nghị nhằm triển khai nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đô thị hóa và phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng dẫn chứng là đến cuối năm 2020, nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều; tỉ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% vào tháng 6-2022.
Tăng trưởng kinh tế ở đô thị đạt trung bình 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung. Các đô thị có vai trò lớn trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Tuy vậy, có nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức để đô thị Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành nơi đáng sống. Đó là vấn đề quá tải hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, tác động rủi ro khí hậu như ngập lụt, hỏa hoạn. Ô nhiễm môi trường đô thị còn nhức nhối; thay đổi quy hoạch, quy hoạch treo... gây bức xúc trong xã hội.
Do đó, Thủ tướng cho rằng vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển đô thị nhưng không gây áp lực về đất đai, cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Không phát triển phân tán, thiếu bền vững, khắc phục các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực để phát triển đô thị bền vững hơn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực chống chịu như nghị quyết đề ra.
Để thực hiện mục tiêu của nghị quyết 06, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát, tôn trọng thực tiễn, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tránh tình trạng dàn trải. Cụ thể, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt lưu ý, cần đầu tư cho công tác quy hoạch, tôn trọng quy hoạch để có một thành phố, đô thị phát triển đi vào trật tự, quy củ. Đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư; phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, phát triển đô thị có ba nội hàm chính là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý.
Trong đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị và quản lý phát triển. Quy hoạch có tầm nhìn xa, nhưng phải sát với tiềm năng, lợi thế của từng vùng và chỉ ra mọi hạn chế để có hướng khắc phục.
Tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở kết hợp các nguồn lực. Huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, tạo sự cộng hưởng, thực hiện nhiệm vụ chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về xây dựng thể chế, chính sách, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải rà soát để hoàn thiện dần. Trong đó tập trung hoàn thiện các Luật đất đai, Luật điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, một số nghị định đang vướng mắc…
TTO - Phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển, đặt ra vấn đề cần quy hoạch, xây dựng và quản lý tốt đô thị. Trong khi đó TP.HCM kỳ vọng có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam.