Sáng 2.11, HĐND TP.HCM đã đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM khảo sát công tác khám chữa bệnh, tình hình triển khai và tiến độ thực hiện đề án phát triển y tế cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.
Đề nghị chấm dứt dự án "trên giấy"
Báo cáo với đoàn giám sát, bác sĩ Hoàng Mạnh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho biết, cơ sở vật chất bệnh viện xuống cấp, quá tải, có từ 2 - 3 bệnh nhân/giường. Bên cạnh đó là nguy cơ mất an toàn PCCC từ ký túc xá Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng bên cạnh.
Trong khi đó, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại H.Bình Chánh có từ 13 năm trước, nhưng đến nay vẫn chỉ còn nằm trên giấy nên bệnh viện kiến nghị chấm dứt dự án này.
Đồng thời, bệnh viện xin xây dựng tại chỗ, bao gồm mở rộng tòa nhà ký túc xá (thành phố thu hồi ký túc xá giao cho bệnh viện). Mới đây bệnh viện được thành phố cho phép sử dụng Bệnh viện Truyền máu - huyết học cũ (201 Phạm Viết Chánh, Q.1) làm cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Thiếu trang thiết bị
Không chỉ vậy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế đối với 1 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Theo đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hiện nay hầu hết đều có thời gian sử dụng lâu năm, nhiều thiết bị sử dụng trên 20 năm, luôn được vận hành sử dụng ở tần suất rất cao, dễ hư hỏng.
Từ năm 2010 đến nay việc mua sắm trang thiết bị mới chủ yếu trích từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp nên số lượng hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn về số lượng. Mặt khác, trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, thiếu các loại máy móc chưa đáp ứng được điều kiện trong việc điều trị những kỹ thuật cao đối với một bệnh viện chuyên khoa sâu đầu ngành.
Đơn cử, bệnh viện thiếu máy C-Arm để triển khai kỹ thuật cao như phẫu thuật cột sống ít xâm lấn. Thiếu máy MRI (nhu cầu của bệnh viện là 3 máy nhưng hiện nay có 1 máy liên doanh liên kết, sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 6.2024). Thiếu hệ thống O-Arm để phẫu thuật cột sống, hệ thống nội soi cột sống, thiếu robot và hệ thống định vị để mổ thay khớp. Thiếu hệ thống ni tơ lỏng để phẫu thuật ung thư xương. Thiếu trang thiết bị, dụng cụ lắp đặt cho bệnh nhân vì trở ngại chuỗi cung ứng.
Về trang thiết bị, dụng cụ lắp đặt, bệnh viện gặp khó khăn về khả năng cung ứng hàng hóa trúng thầu của các nhà thầu hàng hóa vật tư, trang thiết bị y tế. Thực tế hiện nay tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, có một số mặt hàng trúng thầu mua sắm hàng hóa vật tư, trang thiết bị y tế, tuy nhiên nhà thầu không cung cấp đủ hàng hóa do các yếu tố khách quan như nguồn hàng khan hiếm, không thể nhập hàng.
Bệnh nhân bảo hiểm y tế các tỉnh đến gấp 4 lần TP.HCM
Về công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năm 2023, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình được giao kinh phí hơn 412 tỉ đồng. Tính đến ngày 31.8 bệnh viện đã sử dụng cho bệnh nhân hết 366,8 tỉ đồng. Số tiền còn lại hơn 45 tỉ đồng, dự kiến sẽ không đảm bảo cho hoạt động khám, điều trị bệnh nhân bảo hiểm y tế cho 4 tháng cuối năm.
Tính đến ngày 30.10, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã khám, điều trị cho 30.484 lượt bệnh nhân bảo hiểm y tế, trong đó có 6.494 lượt bệnh nhân tại TP.HCM và 23.990 lượt bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác.
"Các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, thay khớp chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí điều trị bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế có giới hạn, nhưng với vai trò là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không thể từ chối bệnh nhân từ các tỉnh thành về khám và điều trị. Trong đó có bệnh nhân bảo hiểm y tế, đặc biệt là từ khi thực hiện thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế thì lượng bệnh nhân tăng cao đột biến, đã làm cho chi phí sử dụng quỹ của đơn vị tăng cao, vượt quá khả năng dự đoán và đang đặt bệnh viện vào thế khó. Khi hết quỹ bảo hiểm, bệnh viện sẽ gặp rất nhiều khó khăn và sẽ làm gián đoạn trong việc khám, điều trị cho người bệnh có bảo hiểm y tế", bác sĩ Cường nói.
Mong muốn Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2
Tại cuộc khảo sát, các đại biểu chia sẻ với các khó khăn của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, và cho rằng việc đầu tư xây mới bệnh viện chưa kịp thời, chậm và chưa tương xứng với 1 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.
Trong khi đó, lượng bệnh nhân đến bệnh viện này tăng cao. Do đó, cần có phương án phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới bệnh viện này tại chỗ hoặc nơi khác. Mong muốn làm sao bệnh viện xây dựng được khang trang như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức). Đề nghị Sở Y tế tiếp tục tham mưu quyết liệt cho UBND TP.HCM.