Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Mark Rutte đã dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức, chiều 2/11.
Thủ tướng Mark Rutte nói Việt Nam và Hà Lan có mối quan hệ lâu đời - hơn 400 năm trước khi các thương nhân nước này cập cảng Hội An. Đây là nhà đầu tư lớn nhất trong nhóm các nước châu Âu tại Việt Nam. Nước này cũng là cửa ngõ trung chuyển khi 60% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu đi qua cảng Rotterdam.
Bên cạnh đó, hai nước đang đối mặt những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu. "Tăng trưởng kinh tế không bền vững sẽ gây ra nhiều tác hại", ông nhấn mạnh. Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng hiện phải tuân thủ các quy định mới của EU về sản xuất bền vững.
"Chúng ta có mặt ở đây vì tin rằng tăng trưởng xanh chính là tương lai chung. Việt Nam là đất của rồng bay lên, là mảnh đất của những cơ hội. Chúng ta có thể cùng hợp tác, tận dụng mọi cơ hội mới để hai nước cùng trở thành rồng xanh", Thủ tướng Mark Rutte chia sẻ.
Kinh tế xanh hiện được xem là giải pháp, đồng thời là xu hướng bắt buộc mà các quốc gia trên thế giới đi theo.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho rằng những công ty nhắm mắt làm ngơ trước điều này có nguy cơ trở nên không còn phù hợp. Công ty nào thích ứng sẽ tự khẳng định được mình là người dẫn đầu thị trường trong tương lai.
"Đặc biệt, với các doanh nghiệp Việt, sự đón đầu này là cần thiết nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước", ông đánh giá.
Ông Stuart Livesey, CEO Copenhagen Offshore Partners (COP) Việt Nam, cũng lưu ý nếu Việt Nam không đủ khả năng cung ứng năng lượng xanh cho các doanh nghiệp FDI, nhiều khả năng họ sẽ chuyển dịch sang thị trường khác để đảm bảo yêu cầu hàng hóa ít carbon của khách hàng.
"Thực tế Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, thậm chí có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Đông Nam Á", ông Stuart Livesey nhận xét. Theo ông, điều quan trọng là Việt Nam phải có chiến lược phát triển dài hạn, có chính sách, khung pháp lý rõ ràng.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói Việt Nam đang hướng đến sản xuất xanh, bền vững để các nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, lâu dài. "Chúng tôi xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh môi trường, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng", ông nói.
Theo đó, Việt Nam ủng hộ các chiến lược, sáng kiến, chính sách của EU trong phát triển xanh, trong đó có các quy định về sản xuất. "Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định này", Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết.
Dù vậy, ông cũng lưu ý Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, vẫn tồn tại nhiều khó khăn, cần được EU nói chung, Hà Lan nói riêng chia sẻ, giúp đỡ. Đơn cử như cùng xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực cho phát triển xanh.
Ông cũng đánh giá cao quan điểm của người đồng cấp - xem Đồng bằng sông Cửu Long như một phần của Hà Lan. Hiện vùng đất này đang bị đe dọa bởi nguy cơ sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn, tác động đến sinh kế 22 triệu dân. Đây cũng là vựa lương thực phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, ông đề xuất các nhà đầu tư hỗ trợ, tăng đầu tư tại khu vực này. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, giảm phát thải trong sản xuất.
Việt Nam cũng đang tích cực ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, triển khai bán tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối.
Cũng nhân diễn đàn này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu có tiếng nói thúc đẩy các bên liên quan phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam.
Đức Minh