Khu xử lý chất thải Khánh Sơn là bãi rác duy nhất ở Đà Nẵng. Từ năm 2019 địa phương này có chủ đầu tư nhà máy xử lý rác thải 650 tấn/ngày và dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt quy mô 1.000 tấn/ngày tại đây với kế hoạch hoàn thành vào năm 2023.
Tuy nhiên đến nay hai dự án vẫn còn trên giấy.
Riêng dự án nhà máy xử lý rác thải 650 tấn/ngày đến nay đã 3 lần điều chỉnh chứng nhận đầu tư.
Cụ thể vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã điều chỉnh dự án với tổng vốn đầu tư 2.021 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty CP Môi trường Việt Nam góp để thực hiện dự án với số tiền 404,2 tỉ đồng (tương đương 20%), còn lại được huy động từ tổ chức tín dụng.
Thời gian hoạt động của dự án kéo dài 50 năm tính từ tháng 6-2009.
Theo đó, mục tiêu của dự án là xử lý các loại rác bằng công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố. Đồng thời sử dụng vật liệu tái chế, xỉ của nhà máy để làm vật liệu xây dựng, sản xuất gạch không nung, cấu kiện bê tông, tái chế dầu nhớt phế thải, cao su phế thải thành dầu đốt PO, RO...
Thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng là 12 tháng và thời gian xây dựng, lắp đặt thiết bị là 20 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Dự kiến thời gian hoàn thành năm 2026 với công nghệ xử lý phát điện của Đức.
Ông Võ Nguyên Chương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng - cho biết sau khi điều chỉnh đầu tư, hiện nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục.
Cụ thể như lập quy hoạch chi tiết 1/500, trình hồ sơ thẩm định công nghệ, lập hồ sơ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cấp phép về cao độ tĩnh không (Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng), đấu nối điện, khai thác nước, thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng...
Theo ông Chương, dự án sử dụng công nghệ lò đốt ghi cơ học của Đức và tiến độ triển khai dự án đang được thành phố kiểm soát tốt.
Liên quan đến việc dự án liên tục điều chỉnh chứng nhận đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng đây là "thủ thuật" kéo dài thời gian triển khai dự án.
Chậm triển khai cũng là... lợi thế?
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo mới đây, ông Lê Quang Nam - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết đối với dự án này, việc thành phố điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là để chọn công nghệ tương đối phù hợp với thời điểm hiện nay. Đồng thời công nghệ của nhà máy sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.
Ông Nam cho rằng việc dự án chậm triển khai cũng có lợi thế sau khi lựa chọn được công nghệ phù hợp, bảo đảm môi trường với các tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Công ty CP Môi trường đô thị TP Đà Nẵng đã đưa vào vận hành hộc rác số 6 để xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).