Phiên giao dịch cuối cùng của tuần này 3-11 trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, phe bán và mua giằng co khiến thị trường chứng khoán liên tục đảo chiều với các trạng thái tăng - giảm đan xen.
Đột ngột giảm mạnh rồi bật tăng lại
Hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng, nổi bật như VPB (VPBank), SSB (SeABank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank)… bị nhà đầu tư dồn dập đặt lệnh bán, gây tiêu cực lên thị trường chung. Song song đó, không ít mã khác có vốn hóa lớn như FPT, VNM (Vinamilk), HPG (Hòa Phát)… cũng gánh áp lực rớt giá.
Dù vậy, thị trường chứng khoán cũng được hỗ trợ bởi diễn biến tăng của nhiều cổ phiếu nổi bật, điển hình là TCB (Techcombank), SAB (Sabeco), MWG (Thế giới di động), VRE (Vincom Retail), VHM (Vinhomes), HDB (HDBank), MSN (Masan)…
Chỉ số cổ phiếu của các lĩnh vực có sự phân hóa rõ rệt. Các nhóm có biến động tăng nhẹ gồm: bất động sản, thực phẩm - đồ uống, xây dựng - vật liệu, hóa chất, ô tô - linh kiện phụ tùng, y tế, du lịch và giải trí, dịch vụ bán lẻ. Đối lập, các ngành như ngân hàng, dịch vụ tiện ích, tài nguyên, dầu khí, công nghệ, viễn thông, bảo hiểm, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp… ghi nhận mức giảm đáng kể.
Đáng chú ý, khi thị trường đang neo ở sắc xanh với mức tăng khoảng 6 điểm, ngay khi bước vào 30 phút cuối phiên, bất ngờ xuất hiện lệnh bán lớn khiến VN-Index đột ngột lao xuống mức giảm hơn 20 điểm trong tích tắc. Diễn biến này làm nhiều nhà đầu tư "nhảy dựng lên", trấn an nhau đừng bán, giải thích rằng đây là hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư của quỹ mở (ETF). Sau đó thị trường nhanh chóng hồi phục.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 860 tỉ đồng suốt 5 phiên liền
Trải qua phiên giao dịch đầy biến động, chỉ số VN-Index chốt phiên tuần này với sắc xanh, tăng nhẹ 1,3 điểm (+0,1%) lên vùng 1.076,78 điểm. Tại sàn UPCoM vẫn giữ được mức nhích nhẹ 0,19 điểm, (+0,2%) hồi phục về 84,16 điểm. Riêng sàn HNX bị rớt nhẹ 0,2 điểm (-0,1%), lùi xuống mốc 217,75 điểm.
Lượng tiền vào và rút ra có sự phân chia rõ, khi thị trường ghi nhận tổng cộng 534 mã tăng giá, 478 mã rớt giá và 231 mã đứng giá.
Điểm sáng trong phiên là giá trị mua bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt gần 17.530 tỉ đồng, tăng hơn 21% so với hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 230 tỉ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng suốt năm phiên liền đạt hơn 860 tỉ đồng.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta cho biết thị trường đang trong giai đoạn biến động mạnh nên vẫn có khả năng xuất hiện các nhịp điều chỉnh mạnh. Nhà đầu tư không vội mua đuổi, mà có thể chờ cơ hội mua vào tại các nhịp giảm mạnh. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng và vượt lên trên vùng bi quan quá mức, cho thấy nhà đầu tư đã lạc quan hơn.
Về tình hình trong tháng này, Chứng khoán Everest (EVS) đưa ra dự báo hai kịch bản chiến lược. Đối với kịch bản tích cực, sau khi thiết lập được vùng đáy, khả năng cao VN-Index sẽ đi ngang tích lũy và có những nhịp phục hồi hợp lý.
Ở kịch bản thận trọng hơn, khi chỉ số VN-Index có những dấu hiệu hồi phục, nhà đầu tư cần chú ý tới thanh khoản bên bán, để ra quyết định đầu tư hoặc giảm tỉ trọng cổ phiếu do áp lực cung kẹt hàng từ vùng 1.200 điểm là rất lớn.
Giữa lúc phải đối mặt hàng loạt khó khăn, hai hãng hàng không lớn là Vietjet Air và Vietnam Airlines đang nỗ lực để có vốn phát triển hoạt động kinh doanh.