"Những điều bỏ quên Trong Xó" là đứa con tinh thần trên Instagram của Nguyễn Thị Thu Nguyên (20 tuổi) hiện đang là sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Từ Instagram đến sách
Chia sẻ về cơ duyên lập nên kênh Instagram, Thu Nguyên cho biết viết lách mang lại niềm vui cho bản thân:
"Sau khi thi đại học, đây là khoảng thời gian dịch nên mình chưa được đi học, để không lãng phí thời gian, mình bắt đầu tìm kiếm những công việc mà có thể ghi vào CV sau này.
Lướt mạng xã hội nhiều, mình thấy mọi người hay nhắc đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân ở. Sau khi tìm hiểu, mình lựa chọn Instagram vì tính "tĩnh" của mạng xã hội này để chia sẻ, viết về những trải nghiệm của bản thân".
Bắt đầu viết sau khi thi đại học, bản thân Thu Nguyên còn "ám ảnh" với những tác phẩm văn học lớp 12, vì yêu thích một câu trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài:
"Mị lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" mà Nguyên quyết định lấy từ "trong xó" là một phần trong tên kênh instagram của mình.
Về sau nghĩ nhiều hơn, Nguyên bày tỏ "Trong Xó" như là những điều tối tăm bên trong con người, nơi mà con người ném vào đó những điều tiêu cực, những vấn đề chưa giải quyết và để nó tồn đọng.
"Mình muốn tìm đến những góc tối để tâm sự, an ủi và vỗ về cho cả bản thân mình và cho cả những bạn trẻ đang mang trong tâm nhiều tổn thương. Mình viết về những điều bị bỏ quên, với mình, đó là những tổn thương chưa được chữa lành". Nguyên tâm sự
Ở "Những điều bỏ quên Trong Xó", cô nàng gen Z kể về những câu chuyện, trải nghiệm mình từng trải qua, viết hết những gì mình muốn nói thay vì đi tìm kiếm sự hoàn hảo.
Tâm tình về những điều mong muốn bạn đọc nhận được khi đến với kênh Instagram của mình, Nguyên bộc bạch:
"Mình mong rằng trong mỗi câu chuyện, người theo dõi của mình tìm thấy được thật nhiều niềm thương, thật nhiều sự dịu dàng để ôm ấp bạn đi qua những ngày đầy giông gió. Chỉ cần bạn nhớ dù có là ai, dù có làm bất cứ điều gì cũng đừng đánh mất đi tình yêu thương với cuộc đời, với muôn loài, vạn vật và với chính bản thân mình."
Mới đây, vào khoảng đầu tháng 10, Nguyên đã xuất bản cuốn sách đầu tiên với tựa "Những điều bỏ quên trong xó".
Ở cuốn sách này, Nguyên không tìm kiếm những điều hoàn hảo, Nguyên xem đây như là một phương tiện để bạn tiếp tục trên hành trình lan tỏa những điều tích cực.
Để có thể viết nên cuốn sách, đã chần chừ và lo sợ mình không đủ trải nghiệm nhưng cô gái gen Z tự nhủ: "Dù trải nghiệm của mình chưa đủ lớn nhưng nó có thể là những lời khuyên cần thiết với những bạn nhỏ tuổi hơn mình".
Cho đi mái tóc
Vào khoảng tháng 2 năm nay, Nguyên đã cạo đầu, cắt đi mái tóc yêu thích của bố mẹ để hiến tặng cho các bệnh nhân ung thư.
Kể về quyết định không hề dễ dàng này, Nguyên nhớ lại: "Vào khoảng tháng 9-2022, mình bắt đầu biết đến các chương trình như hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư.
Bản thân mình thích để tóc ngắn, nhưng khi thấy được những thông tin này thì quyết tâm nuôi dài để hiến tặng".
Nguyên cho biết thêm là trước đó bố mẹ đã biết quyết định hiến tóc nhưng chưa biết về việc cạo đầu, bạn bè không ủng hộ nhiều vì sợ bản thân cô nàng bị ảnh hưởng tinh thần vì công kích vẻ bề ngoài…
Khi thấy con gái trong con người mới, bố mẹ Nguyên vẫn hoàn toàn ủng hộ dù đã từng rất yêu thích mái tóc dài của con gái.
Ông Nguyễn Huỳnh Minh Phúc - giảng viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cố vấn học tập của Thu Nguyên - cho biết Thu Nguyên có thành tích học tập và rèn luyện tốt.
Ông nhận định: "Việc Thu Nguyên sở hữu kênh instagram với nội dung lan tỏa những điều tích cực là điều rất tự hào, bạn đã biết vận dụng niềm đam mê viết lách, truyền tải những thông điệp tích cực đến với xã hội.
Ngày nay, số lượng bạn trẻ gặp những khó khăn, vướng mắc về sức khỏe tinh thần ngày càng gia tăng, đây là một kênh mà Thu Nguyên có thể lan tỏa những giá trị nhân văn".
Đó là nhận định của thầy giáo Ngô Ngọc Hoàng Vương, trưởng phòng chính trị - tư tưởng (Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng), thành viên Ban tổ chức cuộc thi "Gen Z xứ Quảng", khi nhận định về các đội lọt vào vòng bán kết đang diễn ra tại hội trường ĐH Duy Tân.