Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chủ trì tọa đàm: Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024, tổ chức ngày 3-11 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo tôi, cả 3 trụ cột tăng trưởng gồm xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công đều có vai trò quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tăng xuất khẩu, thậm chí tăng nhập khẩu, sẽ có ý nghĩa với tăng trưởng. Tăng cường đầu tư công cũng là giải pháp cần nhấn mạnh bởi đà giải ngân đang tốt, dư địa còn lớn. Trong khi đó, thị trường nội địa đang suy yếu nên việc kích thích thị trường này có thể tạo lực đẩy cho tăng trưởng chung. Quan trọng hơn nữa, thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước nên kích thích thương mại trong nước sẽ hỗ trợ DN nội, khi đó cùng với tăng cường đầu tư công sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế Việt Nam.
GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Phục hồi thị trường bất động sản
Theo tôi, giải pháp quan trọng cho nền kinh tế lúc này là phải tăng cường đầu tư công. Còn về dài hạn, rất cần những giải pháp mang tính đột phá để hình thành khung khổ, thể chế thuận lợi, tạo thêm không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực về vốn, lao động..., từ đó hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
Nhiều dự án bất động sản hiện nay gặp vướng mắc, khó khăn nên cần đẩy nhanh tháo gỡ nhằm sớm đưa vào khai thác trở lại, qua đó phục hồi thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, dù lãi suất đã hạ nhưng cần có giải pháp kết nối ngân hàng và DN hiệu quả hơn.
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: 9 nhóm giải pháp lớn
Có 9 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết năm 2023 và tầm nhìn năm 2024 - 2025.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách để khơi thông nguồn vốn cho DN. Thứ hai, tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh với những cơ chế rõ ràng để DN hoạt động và từng bước chuyển đổi. Thứ ba, tăng cường xuất khẩu, khai thác thị trường mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ tư, tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa. Thứ năm, đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vì đây là ngành công nghiệp chủ lực để lan tỏa đến các ngành khác.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần kích thích nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Thứ bảy, tiếp tục thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nhằm đóng góp vào nền kinh tế, giải quyết việc làm, tạo cảm hứng phát triển.
Thứ tám, sớm khôi phục thị trường bất động sản để kích thích các ngành kinh tế khác phát triển theo, sau khi Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, đặc biệt về cơ chế pháp lý. Thứ chín, phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng bản chất của nền kinh tế để tìm ra giải pháp hợp lý và thực thi các giải pháp đó.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM: Chuẩn bị những bước chạy đà
Theo tính toán, tăng trưởng của TP HCM năm 2023 dự kiến có khả năng đạt 6%-6,5%. Quan trọng hơn là thành phố cần chuẩn bị những bước chạy đà tốt nhất cho chu kỳ kinh tế tốt hơn sẽ quay trở lại vào năm 2024, cụ thể là quý II.
Giải pháp cần là tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công, đặc biệt là thúc đẩy các mô hình thương mại điện tử mới; thúc đẩy hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư) trong lĩnh vực giáo dục - y tế.
Để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh mới, TP HCM cần đẩy nhanh các dự án chiến lược đã được khởi động như Intel (giai đoạn tiếp theo), cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; lập tổ công tác phối hợp với một số tỉnh Đông Nam Bộ xúc tiến các dự án liên quan 2 ngành chiến lược là công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi xanh.
Bà LÊ THANH TÙNG, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng: Động lực từ khu vực dịch vụ, du lịch
Trong năm 2023, những khó khăn của DN và đầu tư của khu vực dân cư, khu vực FDI đã tác động tới tăng trưởng kinh tế chung của TP Đà Nẵng. Năm 2024, thành phố sẽ tập trung phát triển một số lĩnh vực như dịch vụ - bao gồm du lịch, thương mại.
Từ sau dịch COVID-19, hoạt động du lịch của địa phương cơ bản phục hồi nhưng riêng khách quốc tế mới phục hồi khoảng 70%-80%. TP Đà Nẵng sẽ tập trung các giải pháp để phục hồi, thu hút thêm khách quốc tế.
Địa phương cũng sẽ tập trung vào các khu vực như công nghiệp, công nghệ thông tin. Chính phủ đã thông qua quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP Đà Nẵng nên thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đô thị và phân khu, đồng bộ quy hoạch để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và người dân.
Ông TRỊNH HOÀNG TUẤN ANH, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tỉnh Bình Dương dự kiến tăng trưởng quý III/2023 đạt 5%, cả năm đạt 6%-6,3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Sau 10 tháng, hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia vẫn gặp khó do các thị trường giảm tiêu thụ, giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn FDI còn thấp so với mục tiêu... Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, tỉnh Bình Dương cũng có những thuận lợi đến từ sự cố gắng của cộng đồng DN nên tình hình quý cuối năm 2023 dự kiến sẽ khả quan hơn. Trong thời gian còn lại của năm, tỉnh sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mục tiêu đề ra, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện tại TP HCM - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Đã có tín hiệu sáng hơn
Hiện nay, có một số quy định mới rất chặt chẽ liên quan chống lao động cưỡng bức (Mỹ), tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng (Đức) mà DN Việt Nam phải tuân thủ. Ngoài ra, theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, DN buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh khiến giá thành sản xuất tăng. Trong bối cảnh khó khăn, VITAS đã khuyến nghị các DN thành viên với thông điệp "Thay đổi hay là chết".
Một tín hiệu sáng cho ngành là tình hình sản xuất - kinh doanh đang ấm dần lên. Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu toàn ngành đạt 22,6 tỉ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đến hết tháng 10, xuất khẩu của ngành ước đạt 33 tỉ USD, chỉ còn âm khoảng 12,45% so với cùng kỳ. VITAS đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu năm nay về mức khả thi hơn là 40 tỉ USD.
Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM: Đầu tư vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
10 tháng năm 2023, ngành gỗ xuất khẩu đạt khoảng 10,8 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Dù vậy, đã có tín hiệu tốt khi từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng tháng sau đều nhanh hơn tháng trước và tăng trưởng tháng 10 đã chạm mốc cùng kỳ. Tất nhiên, tính toán cho thấy tăng trưởng cả năm 2023 vẫn giảm so với năm ngoái, chưa thể có đột phá lớn.
Sau thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm qua với mức tăng bình quân 10%-15%/năm, DN gỗ trong nước bắt đầu đi vào vùng an toàn. Đó là sản xuất hàng xuất khẩu ở nội địa và chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi đơn hàng sụt giảm, DN mới bắt đầu xúc tiến thương mại nhưng lại không có mặt hàng mới bởi chủ yếu làm gia công. Trong thời gian tới, các DN cần đầu tư sản xuất sản phẩm mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để tạo lợi thế cạnh tranh.
Xem thêm: mth.39391851230113202-aid-ion-gnud-ueit-gnoc-ut-uad-yad-cuht/et-hnik/nv.moc.dln