UBND tỉnh Bến Tre vừa công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri.
Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng được xác định nằm trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri với tổng chiều dài khoảng 4,7km làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân; 15 căn nhà ở bị ảnh hưởng (sập hoàn toàn 4 căn và phải di dời đến nơi an toàn 11 căn).
Sạt lở gây hư hỏng hoàn toàn 100m đường bê tông, sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao, diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535ha.
Kèm theo quyết định công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh cũng đưa ra các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Đồng thời thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Nhanh chóng tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 134km.
Để khắc phục trước những điểm sạt lở nguy hiểm, mới đây Bến Tre được Chính phủ bổ sung 300 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để triển khai các dự án cấp bách.
Bờ biển phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - nơi được mệnh danh là “thủ đô resort”, thời gian gần đây đang sạt lở nặng khiến các doanh nghiệp như ngồi trên lửa bởi không biết tài sản bị đánh trôi lúc nào.