Sân bay Phú Quốc có công suất 4 triệu hành khách/năm, từng hoạt động rất nhộn nhịp cùng sự phát triển nóng của đảo ngọc với khoảng 70 - 75 chuyến bay/ngày vào mùa cao điểm và 40 chuyến bay/ngày lúc bình thường.
Nhưng hiện Phú Quốc chỉ còn 26 chuyến bay/ngày, giảm 35% so với trước đây. Sân bay này ế khách là chuyện đau đầu của chính quyền, doanh nghiệp hàng không và du lịch, kéo theo lượng du khách sụt giảm nghiêm trọng từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi cả nước có mức tăng trưởng du lịch ấn tượng.
Sân bay quốc tế Cần Thơ vào năm 2019 đã từng có 10 đường bay nội địa và 4 đường bay quốc tế, đạt gần 50% công suất thiết kế, thì nay sân bay này cũng trong tình trạng "đói" khách.
Nhiều năm qua sân bay Cà Mau chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM với tần suất 5 chuyến/tuần, trong khi tuyến Cà Mau - Hà Nội mở mới trong thời gian ngắn phải tạm ngưng hoạt động.
Tương tự, sân bay Rạch Giá chỉ khai thác các tuyến bay ngắn Rạch Giá - Phú Quốc và Rạch Giá - TP.HCM.
"Thực đơn" nào cho các cảng hàng không vùng này vượt qua tình cảnh hiện tại? Đó không chỉ là việc của các sân bay, hãng bay, ngành giao thông vận tải, mà rất cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành để các "cổng trời" miền Tây thật sự là những cửa ngõ thu hút đầu tư phát triển vùng, đầu mối tiếp nhận, kết nối vùng miền và vươn ra thế giới.
Ngày càng có nhiều hơn người dùng chọn lựa hàng không. Chỉ riêng năm 2022, có khoảng 80 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ đi lại của các cảng hàng không Việt, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu lượt.
Động lực nào để phát triển lâu dài cho những đường bay đi và đến miền Tây? Thống kê, phân loại và theo dõi qua doanh thu của các đơn vị du lịch cho thấy lượng khách qua sân bay quốc tế Phú Quốc và Cần Thơ chủ yếu có ba đối tượng là du khách, thương nhân và cán bộ công chức đi công tác.
Xác định các phân khúc khách hàng để cung ứng dịch vụ phù hợp là việc của các hãng hàng không. Sân bay góp phần tăng lượng hành khách bằng chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mặt đất, nhưng tạo ra nhu cầu hàng không có trách nhiệm của chính quyền.
Hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối các phương thức giao thông của bộ, ngành trung ương và địa phương là rất quan trọng để thu hút các hãng bay và hành khách đi máy bay.
Các sân bay ở miền Tây cần định vị, nhận diện điểm yếu và lợi thế, tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết trong mạng lưới các cảng hàng không quốc gia và quốc tế. Sự cất cánh của các "cổng trời" miền Tây rất cần động lực phát triển lâu dài, bền vững.
Động lực đó không chỉ từ sân bay, hãng bay mà đang rất cần sự phối hợp, nỗ lực của cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, quản lý bay và của các cơ quan truyền thông và cộng đồng.
Phía trước đường băng các sân bay miền Tây, những đường bay dài hay ngắn, sự phát triển nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào không gian vật lý và vận tốc bay mà còn là năng lực cạnh tranh vùng, khoảng cách trách nhiệm, ý thức và những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp hơn của các bên liên quan.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không nội địa trong chín tháng đầu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng nhiều sân bay miền Tây lâm vào tình trạng vắng khách mùa thấp điểm.