Ba tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các clip nội dung về đốt pháo chế, hướng dẫn làm pháo chế, quảng cáo nơi bán các nguyên liệu cho việc chế pháo "rục rịch" trở lại, sôi nổi trên chợ mạng.
Tài khoản TikTok tên x...vlog cho đăng video clip với nội dung chế pháo, một tài khoản khác hỏi cách làm. Chủ tài khoản liền dẫn đường link đến kênh YouTube cùng tên. Nơi này, trong nửa tháng đã đăng tải liên tục tám video clip thử các loại pháo, pháo chế.
Thử pháo chế "cho vui"?!
"Mình rảnh, nghịch nghịch vui vui nên đốt pháo", "Đón bình minh bằng mấy quả pháo"... Đây là cách rủ rê nhau đốt pháo nổ. Trong khi trong một video đốt pháo thậm chí người này còn ghi rõ: "Mọi người muốn công thức thuốc và cách làm thì để lại bình luận nhé".
Để thu hút người xem, người làm nội dung test (thử) sức mạnh của các loại pháo, pháo chế khác nhau bằng cách cho nổ cây cối, nón bảo hiểm...
Tác hại của pháo, đặc biệt là pháo chế, xảy ra hằng năm, quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo cần phải được tuân thủ. Thế nhưng có vẻ pháo nổ và đốt pháo vẫn được xem là thú vui ngày Tết của không ít người.
Trong nội dung một kênh hoàn toàn về pháo, có những thông tin hướng dẫn người khác chế pháo với lời tự giới thiệu là "kênh làm đồ chơi Tết mới nhất 2024", chỉ mang tính chất giải trí và không khuyến khích làm theo dưới mọi hình thức (!?). Bên dưới video không quên để lại email liên hệ quảng cáo.
Rục rịch khởi động thị trường "phân bón" Tết
Nhiều tài khoản trên mạng tạo nội dung về các công thức chế tạo thuốc nổ mạnh nhẹ khác nhau để... chơi Tết 2024. Bên dưới các video của tài khoản Hexxxx, nhiều người vào bình luận chủ đề pháo chế rôm rả như chẳng biết là nguy hiểm, hành vi chế tạo pháo bị cấm.
Một người hỏi: "Mua hàng ở đâu?". Người ta liền chỉ nơi bán và chỉ luôn cách đối phó cơ quan chức năng nếu bị bắt.
Các chủ tài khoản bán hàng trên TikTok đăng quảng cáo bán phân bón dùng cho nông nghiệp. Dù nói tránh, ẩn ý cỡ nào nhưng cuối cùng cũng lòi ra việc bán nguyên liệu cho việc chế thuốc nổ làm pháo chế. Khi có người hỏi "Bạn có tỉ lệ pháo bi không ạ?", một người khác trả lời "Có nhưng nhắn tin lên đây sẽ vi phạm và không đăng được".
Đây là cách đối phó kiểm duyệt của những người tạo ra nội dung. Và đủ hiểu người có nhu cầu mua và người bán đều rất hiểu thứ họ đang nói đến.
Thị trường giao dịch trên mạng bắt đầu rao bán hóa chất chế pháo nổ "đội lốt" phân bón. Thanh thiếu niên, học sinh luôn tò mò tìm hiểu thông tin trên mạng, mua hóa chất trên mạng về chế pháo.
Thử tìm kiếm trên Google sẽ thấy ngay thông tin từ các trang bán hàng điện tử nổi tiếng xuất hiện các dòng chữ rao bán các chất làm pháo với giá tốt. Các sàn giao thương mạng điện tử và chủ shop rao bán những thứ này khó có thể nói họ không biết mình đang bán hàng gì.
Tại sao cơ quan chức năng, nhà trường tăng cường tuyên truyền về tác hại nhưng hiểm họa pháo chế vẫn xảy đến, mỗi năm lại thêm những vụ việc mới, những nạn nhân mới?
Những cảnh báo, phản ánh từ báo chí về tình trạng "học làm pháo qua mạng" với hậu quả thương tâm vẫn còn đó, năm nào cũng có nhiều vụ tai nạn xót xa. Và những thông tin nguy hại về mua bán, sử dụng pháo chế vẫn được đăng tải một cách công khai trên mạng.
Cần truy vết, xử lý những clip về pháo nổ
Ngành chức năng hằng năm đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của pháo nổ, pháo chế để mọi người tránh xa nguy hiểm. Bên cạnh đó, có chế tài những người vận chuyển, tàng trữ, chế tạo pháo trái phép.
Nhưng rõ ràng, thông tin nguy hại từ nhận thức về pháo chế không đúng đã và đang được đăng tải công khai, "tàng trữ" trên các kênh mạng xã hội, rất dễ thấy như một kiểu tiếp sức cho những vi phạm, nguy hại liên quan đến pháo nổ.
Cơ quan chức năng cần quan tâm truy vết, gỡ bỏ để phần nào ngăn chặn được tác hại có thể xảy ra cho cộng đồng. Tránh để người xem nội dung lại coi là chuyện bình thường, thậm chí làm theo cái sai của người khác về pháo chế, pháo nổ.
Sau khi xem các video trên mạng để làm pháo tự chế, ba học sinh tại Tây Nguyên đã mua nguyên liệu làm theo, khi pháo phát nổ khiến một em chết, một em bị thương nặng.