Đồng loạt tăng giá gạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-11, đại diện Công ty A.Bình Phát (Bình Tân, TP.HCM) cho biết thời điểm này, loại gạo bán sỉ có giá rẻ nhất là 504 (cơm nở, khô) cũng đã ở mức 17.500 đồng/kg. Trong khi đó nhóm gạo thơm lài có giá 18.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Đài Loan giá 23.000 đồng/kg.
Giá bán trên đã tăng khoảng 500 - 900 đồng/kg so với tháng trước, và tăng phổ biến khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg tùy loại so với thời điểm tháng 7, tháng 8 (lúc giá gạo còn bình ổn).
Ghi nhận tại nhiều chợ lẻ, giá gạo được nhiều tiểu thương bán ra hiện cũng neo ở mức cao. Cụ thể, tại khu vực chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), gạo xá (không đóng bao, bán theo ký) có giá thấp nhất là 18.000 đồng/kg đối với loại nở, xốp; gạo thơm thái, thơm lài từ 18.500 - 23.000 đồng/kg tùy loại.
Vừa mua 5kg gạo thơm lài tại một cửa hàng với giá 19.500 đồng/kg, bà Nguyễn Tường Vi (quận Bình Thạnh) cho biết giá này tăng nhiều so với cách đây vài tháng.
"Gia đình mỗi ngày chỉ ăn khoảng 1,5kg gạo nên không quá áp lực, nhưng đối với các bếp ăn tập thể, quán cơm, giá gạo tăng cao như hiện nay sẽ gây ra khó khăn không nhỏ", bà Vi nhận định.
Siêu thị lên kế hoạch bình ổn
Tại siêu Emart Gò Vấp, gạo thơm làng ta Vua Gạo đang được bán với giá 125.000 đồng/bao 5kg, gạo hương lài Vua Gạo giá 148.000 đồng/bao 5kg, gạo hoa lúa đỏ 198.000 đồng/bao 5kg...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị Emart cho biết giá gạo trên gần như vẫn giữ ở mức ổn định so với các tháng trước, thậm chí thời điểm cuối tháng 10, đơn vị áp dụng khuyến mãi cho một số loại gạo như gạo Meizan nàng thơm từ 148.000 đồng giảm còn 88.000 đồng/bao 5kg.
"Giá gạo không tăng nhiều như ngoài thị trường nhờ siêu thị làm việc với nhà cung cấp từ sớm và chốt được giá bán, nguồn cung ở mức ổn định, trường hợp tăng giá cũng sẽ không quá nhiều", vị này khẳng định. Siêu thị này cũng cho biết đã chốt được giá và nguồn cung gạo đến sau Tết, nên kỳ vọng có thể giữ được giá bán ở mức ổn định trong thời gian tới.
Đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết trong nhiều tháng qua chỉ một lần tăng giá gạo (áp dụng từ 21-8) với mức tăng từ 4 - 12% tùy loại. Theo đó, giá gạo hiện đang ở mức 16.000 - 19.000 đồng/kg.
"Gạo là mặt hàng bình ổn nên chịu sự quản lý của các sở ngành. Do đó, dù chịu áp lực lớn từ giá đầu vào nhưng quan điểm MM vẫn cố gắng giữ giá bán, trường hợp tăng giảm giá phải xin phép", đại diện MM khẳng định.
Tuy nhiên, theo đại diện một đơn vị bán lẻ, diễn biến thị trường gạo thời gian tới khả năng còn "nóng", đặc biệt nhu cầu đang có xu hướng tăng. Do đó, việc bình ổn giá gạo sẽ gặp nhiều áp lực.
"Sức mua đang tăng khoảng 10% so với các tháng trước, và khả năng tăng 15 - 20% vào tháng cận Tết. Do đó, ngoài phương án về giá bán, việc tăng nguồn cung gạo cũng cần được tính toán cho giai đoạn này".
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, đại diện Sở Công Thương TP.HCM xác nhận giá gạo bên ngoài thị trường tăng do chịu ảnh hưởng diễn biến chung, cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, với các hệ thống bán lẻ (siêu thị), giá gạo hầu hết vẫn giữ ở mức tương đối ổn định, nguồn cung không thiếu hụt.
"Gạo, đường, dầu ăn... là mặt hàng thiết yếu, và nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đưa các mặt hàng này tham gia chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng lớn. Hiện các siêu thị đã có phương án để bình ổn giá bán, đáp ứng nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu cho dịp cuối năm, trong đó có gạo", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Không chỉ khó đưa hàng vào siêu thị, nhiều trường hợp vào được nhưng chỉ thời gian ngắn lại muốn ra do "khó sống". Khó khăn này khiến nhiều nhà cung cấp lo hàng Việt mất vị thế so với hàng ngoại.