Hàng quán đóng cửa, rác quảng cáo tung hoành
"Các doanh nghiệp thương mại khó khăn do sức mua của thị trường yếu. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng thông qua thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống. Kết quả là xu hướng trả mặt bằng lan rộng, hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa".
Đó là những nội dung khắc họa nên mảng xám của bức tranh doanh nghiệp TP.HCM do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đánh giá trong báo cáo hoạt động tháng 10.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) nói với Tuổi Trẻ Online rằng: "Hiện doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa có sự tự tin để chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cao hơn". Theo ông Đức, có nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thậm chí nhiều nghiệp đang có những rào cản có thể không vượt qua được thời điểm này hoặc năm sau.
Trực tiếp điều hành doanh nghiệp bán lẻ, ông Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch HUBA - buộc phải chọn cách thu hẹp mô hình bản lẻ, chuyển đổi mặt bằng, phát triển kênh online bởi sức mua đã suy giảm hơn 50%. "Kinh doanh bây giờ khó khăn lắm", ông Nghĩa nói.
"Đục nước béo cò"
"Đục nước thì béo cò thôi, hàng quán trả nhiều thì môi giới cũng rầm rộ hoạt động hơn, ai cũng tranh nhau dán quảng cáo lên các mặt bằng, nhưng 10 ông dán số điện thoại chẳng có ông nào chủ hết đâu", Ngọc Hiếu (một môi giới mặt bằng lâu năm ở TP.HCM) chia sẻ.
Theo ông Hiếu, từ cuối 2020 đến nay, giới "cò" mặt bằng được dịp hoạt động náo nhiệt, song các số điện thoại dán trên các bảng hiệu, cửa tiệm chủ yếu là để moi thông tin khách hàng, chính chủ rất hiếm khi dán bên ngoài tiệm. Thậm chí, có những tiệm đang kinh doanh bình thường, chủ tiệm bận việc đóng cửa vài hôm cũng bỗng dưng bị môi giới dán luôn "cho thuê nhà".
Bên cạnh các mặt bằng kinh doanh khó khăn buộc phải đóng cửa, ông Hiếu cho hay cũng có nhiều mặt bằng là đất công đang bị thanh kiểm tra hoặc chủ nhà hét giá cao quá khiến không ai dám rờ vào.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online suốt nhiều tháng qua, lực lượng chức năng ở các quận cũng đã lập ra đội tuần tra gồm công an khu vực và dân phòng tuần tra để phát hiện và xử lý những người dán rác quảng cáo trên.
Những người dán lậu quảng cáo bị lực lượng chức năng xử lý bằng cách tự khắc phục, trực tiếp đi cạo hoặc tháo các bảng treo quảng cáo trên tuyến mà họ dán bậy.
Dẫu vậy, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online những ngày này vẫn cho thấy rác quảng cáo này không thể dẹp ngày một ngày hai nếu như hàng quán vẫn còn trống trải.
Trước đây các dòng chữ khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, lắp cáp, cho vay… được sơn, dán một cách nhếch nhác trên các bức tường trống ở các đường, hẻm nhỏ. Giờ, các mặt tiền phố lớn chờ cho thuê bị dán kín quảng cáo "chính chủ" giả mạo.