Đáng chú ý là trong bức thư giới thiệu của Công ty TNHH Học viện Trực tuyến kiến thức, kỹ năng và công nghệ Việt Nam (gọi tắt là Học viện Trực tuyến Việt Nam) giới thiệu "đã từng đào tạo thành công cho 10.000 trường học và trên 1 triệu học sinh trong 3 năm từ 2020-2023".
Tuy nhiên tra cứu thông tin mã số thuế của doanh nghiệp trên thì ngày được cấp phép hoạt động là 31-1-2023.
Chương trình "học bổng" học online thêm nhưng có thu tiền
Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện thông tin cho rằng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế phát công văn chỉ đạo yêu cầu các trường THPT, THCS trên địa bàn đăng ký cho học sinh tham gia học online ngoại ngữ và tin học do Học viện Trực tuyến Việt Nam giảng dạy. Đây là chương trình học thêm, không phải môn bắt buộc.
Theo đó vào ngày 18-7, Học viện Trực tuyến Việt Nam có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc giới thiệu tới các nhà trường trên địa bàn tham gia chương trình học bổng đặc biệt đào tạo tin học và ngoại ngữ cho học sinh phổ thông theo phương thức trực tuyến, từ xa.
Trong công văn nói trên, công ty này tự giới thiệu là đơn vị đã đạt giải nhất Nhân tài đất Việt, đã triển khai các chương trình đào tạo cho 10.000 trường học, 20.000 lãnh đạo và quản lý giáo dục, 100.000 giáo viên và trên 1 triệu học sinh tham gia trong 3 năm (2020-2023).
Dù là "học bổng" nhưng phía công ty vẫn thu tiền 100.000 đồng/học viên. Khóa học trên kéo dài 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) và học online vào ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Sau khi nhận thư, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã có công văn số 2456 ngày 31-8-2023 với nội dung đề nghị các trường phổ thông, các phòng giáo dục trên địa bàn nghiên cứu chương trình học bổng trên để tổ chức triển khai và đăng ký tham gia.
Công văn này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng mạng, đặc biệt là nhiều phụ huynh có con em học ở Huế. Phần lớn đều cho rằng việc học online tin học và ngoại ngữ ở cấp phổ thông hiện nay là không hiệu quả.
Nhiều người còn cho rằng công văn của Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế có tính chất ép buộc các trường cấp dưới phải đăng ký học sinh tham gia khóa học và đây là công văn "chỉ đạo trong phòng lạnh".
Được biết Học viện Trực tuyến Việt Nam không chỉ gửi thư giới thiệu chương trình dạy học online ngoại ngữ và tin học đến Thừa Thiên Huế mà còn gửi thư cùng nội dung đến rất nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tra cứu thông tin mã số thuế của doanh nghiệp này trên mạng thì ngày được cấp phép hoạt động là 31-1-2023, tức là chỉ mới hoạt động chưa đầy 1 năm.
Không trường học nào đăng ký học online
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, khẳng định không có chuyện sở chỉ đạo buộc các trường đăng ký tham gia khóa học trên.
Vị đại diện này nói rằng trong văn bản số 2456 của sở nói rất rõ là yêu cầu các đơn vị trực thuộc chỉ "nghiên cứu" chương trình học bổng nói trên chứ không yêu cầu các đơn vị phải tham gia.
"Chúng tôi đề nghị nghiên cứu, gửi thông báo cho học sinh biết và nếu có nhu cầu thì đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện chứ không hề ép buộc. Sau khi rà soát lại thì đến nay trên địa bàn tỉnh không có bất kỳ trường học nào đăng ký tham gia do không có nhu cầu", vị đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, nói.
Cũng theo vị này, trước khi ban hành công văn 2456, sở cũng đã có tìm hiểu chương trình đạo tạo ngoại ngữ và tin học online của Học viện Trực tuyến Việt Nam của ông Hoàng Ngọc Trung.
Theo đó đơn vị đại diện này và ông Trung đã từng cộng tác, tham gia dạy trực tuyến cho giáo viên và học sinh của tỉnh về công tác chuyển đổi số vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát (năm 2021). Sau chương trình này, sở nhận được nhiều phản hồi tích cực và hoàn toàn miễn phí.
"Chúng tôi cũng khẳng định là chưa hề gặp ông Trung hay công ty nói trên để nói chuyện liên quan đến chương trình học bổng trên. Do vậy thông tin nói sở ra văn bản trong phòng lạnh hay có tiêu cực trong việc này là không chính xác", vị đại diện sở nói.
Lãnh đạo Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) bác thông tin trên một tài khoản Facebook rao thông tin phối hợp với các giáo viên trường này mở lớp toán online.