Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm đó là cơ chế xử lý bổ sung ngoài mất cọc, cấm tham gia đấu giá đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng "xù".
Phải nâng mức đặt cọc với bất động sản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Công Long - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trúng đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) hay mới đây nhất là vụ bỏ cọc trúng đấu giá biển số ô tô hơn 32 tỉ đồng.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Long, có nhiều giải pháp trong đó cần thiết phải nâng mức đặt cọc lên trong các cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, cần phân loại tài sản để có mức đặt cọc phù hợp. Chẳng hạn, với bất động sản, theo ông Long, nếu xác định được giá khởi điểm quyền sử dụng đất, mức đặt cọc trước không dưới 20% giá trị.
Với các trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản, do giá trị rất lớn nên bên cạnh việc xác định kỹ cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, mức đặt cọc cũng không dưới 10% giá trị.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng việc nâng mức đặt cọc cụ thể ở mức nào sẽ tùy vào loại tài sản được đưa ra đấu giá. Trong đó với bất động sản, mức đặt cọc cần tối thiểu 10% so với mức giá đã được định giá.
"Mức đặt cọc phải đủ để người tham gia đấu giá cân nhắc về số tiền sẽ mất nếu bỏ cọc", ông Hải nói và cho rằng mức đặt cọc cũng không nên tạo ra rào cản nhằm hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân.
Ông Hải cũng đề xuất để hạn chế việc bỏ cọc cần có quy định về thẩm định năng lực của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, đặc biệt là trước khi đấu giá các tài sản có giá trị lớn.
Với từng loại tài sản nên quy định về bước giá tối thiểu và tối đa cho mỗi lần trả giá, để hạn chế những người tham gia trả giá vượt quá năng lực tài chính của mình, trả giá không với mục đích mua được tài sản mà vì mục đích khác.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang - giám đốc Công an Đồng Nai - ủng hộ việc nâng mức đặt cọc lên cao hơn, đồng thời đề nghị cần phải bổ sung các điều kiện về kiểm tra năng lực, thuế, thanh khoản, hoạt động của doanh nghiệp tham gia đấu giá tài sản.
Vì có những doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản nhưng cơ bản lại mới thành lập, không có hoạt động gì.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng không nên nâng thêm mức đặt cọc quá cao, bởi sẽ tạo rào cản kỹ thuật cũng như không thu hút được các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá.
"Quan trọng là phải xác định được mức giá sát với giá thị trường, nhu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá nhằm giúp thu được lợi ích lớn nhất về ngân sách nhà nước...", ông Cường nói.
Phạt tiền nặng các trường hợp bỏ cọc!
Bên cạnh việc nâng mức cọc, cấm tham gia đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất bổ sung các hình thức xử phạt tiền đối với các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, người đấu giá có quyền bỏ cọc và chưa có chế tài khác.
Để khắc phục tình trạng này, bà Yến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định chế tài về hành vi bỏ cọc với các tài sản do Nhà nước quản lý đưa ra đấu giá.
Có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc 30% giá trị tài sản đấu giá để tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc. Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị có thể xem xét các hình phạt bổ sung, trong đó có phạt tiền.
"Tuy nhiên cần xem xét, đánh giá kỹ lý do họ bỏ cọc là bởi yếu tố khách quan, bất khả kháng hay cố tình để có hình thức xử phạt cho phù hợp chứ không phải trường hợp nào cũng phạt", ông Long nêu.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng theo quy định, việc bỏ cọc chỉ mất tiền cọc trước với mức khá thấp, nên nhiều trường hợp sẵn sàng bỏ cọc.
Vì vậy nên nghiên cứu bổ sung phạt tiền để "đánh vào kinh tế" những người cố tình bỏ cọc với mức phạt được tính trên tỉ lệ phần trăm giá trị tài sản trúng đấu giá. "Khi đó người ta sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại khi bị xử phạt, không dám làm bậy nữa", ông Cường nói.
Tuy nhiên ông Cường cho rằng cần phải xem xét kỹ từng trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá để xác định rõ lý do bỏ cọc. Trong trường hợp bỏ cọc do khách quan, bất khả kháng cũng có thể xem xét không xử phạt bổ sung.
"Còn những trường hợp cố tình bỏ cọc hay có mục đích rõ ràng nhằm phá hoại, đẩy giá lên, gây rối thị trường, phá hoại cuộc đấu giá, làm ảnh hưởng kinh tế - xã hội... phải xử phạt nghiêm", ông Cường đề nghị.
Ngoài các biện pháp chế tài, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), vấn đề tư cách của người tham gia đấu giá rất quan trọng, trong đó có các yếu tố để chứng minh tài sản bảo đảm của người đấu giá.
Chẳng hạn với các tài sản có giá trị lớn, cần xác minh rõ tài khoản ngân hàng, chứng thư bảo đảm, tài sản khác của người, tổ chức tham gia đấu giá để xác định khi trúng đấu giá họ sẽ có đủ tiền để thanh toán cho tài sản này.
"Cùng với đó, khi người đấu giá vi phạm, từ việc chứng minh tài sản bảo đảm sẽ có các cơ chế để xử lý vấn đề này", đại biểu Cường nói và cho rằng mục đích quan trọng là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá và phải tính đến hiệu quả việc đấu giá.
Để làm được điều này, trước hết phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá, việc trao đổi giữa người đấu giá với tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bưng bít thông tin.
Không thể nâng mức đặt cọc
Nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết theo thông lệ thế giới, có những loại tài sản không quy định về tiền đặt trước (đặt cọc).
Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi cũng đã nâng mức tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất lên tối thiểu là 15%, tối đa là 20%.
Do vậy không thể tiếp tục nâng mức tiền đặt trước.
Cũng theo ông Long, với những mặt hàng đấu giá có giá trị lớn, nếu nâng tiền đặt cọc lên vô hình trung thành hàng rào kỹ thuật loại bớt các doanh nghiệp, cá nhân không có điều kiện tài chính bằng các "anh lớn".
Hơn nữa, với quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tiền đặt cọc chỉ là một yếu tố. Điều kiện để tham gia vào đấu giá quyền sử dụng đất còn được quy định trong các pháp luật chuyên ngành, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai...
* Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh):
Phải phạt thật nặng!
Cần có quy định trong luật để ngăn thao túng đấu giá cả ở việc "trả giá cao rồi bỏ cọc" và "thông đồng để dìm giá thấp".
Để ngăn trả giá cao rồi bỏ cọc, luật có thể quy định mức tiền đặt trước không quá lớn nhưng mức phạt về hành vi bỏ cọc phải thật nặng để răn đe.
Bởi hành vi thao túng đấu giá có thể gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước và cá nhân nên ngoài xử lý hành chính cần có quy định về xử lý hình sự tùy theo giá trị gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc công khai thông tin trước đấu giá phải quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn "thông đồng để dìm giá".
Vừa qua có trường hợp quy định phải đăng báo và phát sóng trên đài truyền hình nhưng đơn vị tổ chức đấu giá thông đồng với người tham gia nên chỉ lựa chọn những báo ít người đọc hay chọn giờ phát sóng ít người xem.
Do đó, ngoài đăng báo thông tin về cuộc đấu giá thì phải đăng trên mạng Internet, nếu vi phạm thì có chế tài mạnh bằng việc hủy kết quả đấu giá hoặc xem xét trách nhiệm hành chính và hình sự.
* Đại biểu Nguyễn Hải Nam (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Tiền đặt trước phải phù hợp
Nếu quy định mức đặt cọc cao quá sẽ khó thu hút nhiều người tham gia.
Nhưng nếu quy định thấp sẽ xảy ra nhiều trường hợp như vừa qua là người tham gia trả giá cao bất thường rồi bỏ cọc, có dấu hiệu thao túng, qua đó không đạt được mục tiêu đấu giá.
Việc nâng tỉ lệ đặt cọc lên 10% hay cao hơn nữa, cơ quan soạn thảo luật cần có số liệu thống kê, đánh giá.
Luật Đấu giá tài sản là chính sách tác động đến số đông nên cần có tính toán về tác động của từng mức tiền đặt trước.
Tiền đặt trước phải phù hợp, đảm bảo nguyên tắc của đấu giá là khách quan, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước nhưng cũng cần để tài sản đến đúng bên có nhu cầu sử dụng thật. Do đó cần tăng chế tài xử phạt với người tham gia đấu giá bất thường rồi bỏ cọc, làm không đạt được mục tiêu của cuộc đấu giá.
* Ông Nguyễn Tiến Thỏa (chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam):
Cần yêu cầu chứng minh năng lực tài chính
Về mặt kinh tế, nên tăng tiền đặt cọc đấu giá đất tối thiểu lên 10% và giữ nguyên tỉ lệ đặt cọc tối thiểu với đấu giá tài sản thông thường là 5%.
Điều này giúp những người có đủ tiềm lực tài chính tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, cần bổ sung chế tài xử lý với người bỏ cọc đấu giá tài sản để thị trường đấu giá lành mạnh hơn.
Các cơ quan tổ chức đấu giá cũng cần yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính.
Cơ quan tổ chức đấu giá cũng có thể thẩm định năng lực, nhu cầu thực sự của tổ chức cá nhân tham gia thông qua hồ sơ đấu giá của họ. Nếu quy định về đấu giá tài sản chưa có các yêu cầu về năng lực nhà đầu tư, cần bổ sung để khuyến khích tổ chức, cá nhân đủ năng lực thực sự tham gia đấu giá.
* LS Trương Thanh Đức (giám đốc Công ty luật ANVI):
Không cần tăng mức đặt cọc
Mức đặt cọc đấu giá tài sản hiện nay là hợp lý, không cần tăng thêm nữa.
Còn mức đặt cọc tối thiểu bao nhiêu nên giao cho địa phương tự quyết định đối với từng tài sản cụ thể nhưng không vượt giới hạn 5 - 20% theo quy định.
Ngay cả mức đặt cọc tối thiểu 5%, với những tài sản có giá trị lớn như đất đai hay nhà cửa, số tiền đặt cọc thực tế rất lớn.
Nếu nhà trúng đấu giá bỏ cọc, chúng ta có thể đấu giá lại với giá bằng, cao hơn hoặc thấp hơn. Điều quan trọng là đấu giá thật, Nhà nước thu được giá trị tài sản cao nhất. Muốn vậy phải có nhiều người tham gia, cạnh tranh giá.
* LS Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự):
Nên đưa các quy định phòng ngừa vào quy chế đấu giá
Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã quy định khoản tiền đặt trước trong khoảng từ 5 - 20% là phù hợp, tạo sự linh hoạt cho người tổ chức đấu giá, không có lý do gì phải tăng mức đặt cọc tối thiểu lên 10%.
Việc đề xuất xử phạt bổ sung đối với người trúng đấu giá nhưng không ký hợp đồng cũng không có cơ sở, bởi bản chất quan hệ giữa các bên tham gia đấu giá là quan hệ dân sự, tự nguyện và bình đẳng, không thể áp dụng chế tài phạt hành chính.
Các chế tài dân sự cũng đã có rồi, đó là việc bên không ký hợp đồng mất tiền đặt trước sau khi đã chuyển thành tiền đặt cọc.
Tuy nhiên để bảo đảm tính nghiêm túc trong thực hiện cam kết của các bên tham gia, người tổ chức đấu giá có thể đưa thêm các quy định phòng ngừa vào quy chế đấu giá cho từng vụ việc, phù hợp với tính chất và giá trị của tài sản.
Nó được coi như điều kiện hợp đồng để các bên tham gia đấu giá xem xét quyết định. Nếu phá vỡ hợp đồng sẽ bị xử lý bằng chế tài và thủ tục dân sự.
Trong thực tế, khi tham gia đấu giá là đã phát sinh quan hệ hợp đồng, thể hiện bằng việc đăng ký, đặt tiền và chấp nhận quy chế đấu giá. Sau khi trúng đấu giá sẽ ký hợp đồng để tiếp nhận tài sản (chuyển giao quyền sở hữu).
Cả hai hợp đồng này đều có thể quy định chế tài xử phạt, tùy tính chất từng vụ đấu giá phù hợp với các loại tài sạn khác nhau.
TTO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy nêu những chiêu trò "quân xanh quân đỏ", thông đồng dìm giá, thắng thầu bỏ cọc, thổi giá đất gây ra hệ lụy lớn cho kinh tế, xã hội nên cần mạnh tay xử lý và đề nghị Bộ Công an điều tra để răn đe.