Liên minh châu Âu vào tháng 9 đã công bố cuộc điều tra chống trợ cấp, vì lo ngại tình trạng Trung Quốc đang đưa qua tràn ngập xe điện giá rẻ.
Mỹ gần đây áp thuế các tấm thiếc nhập từ Trung Quốc và hai quốc gia khác, sau khi xác định rằng các nhà sản xuất thép ấy đang bán với giá thấp không công bằng. Trong khi đó, Ấn Độ đang điều tra xem liệu Trung Quốc có bán phá giá nhiều loại hàng hóa, từ hóa chất đến đồ nội thất, vào nước này hay không.
Đáp lại, giới chức Trung Quốc nói các nhà sản xuất nước này đang cạnh tranh công bằng và sản phẩm của họ giành được thị phần ở nước ngoài vì chúng hấp dẫn người mua. Bắc Kinh tố cáo cuộc điều tra xe điện của EU là "hành động bảo hộ trắng trợn", sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng ôtô toàn cầu.
Thời gian qua, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc trợ cấp doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại nước ngoài, bao gồm cả việc tổ chức các chuyến bay thuê bao. Họ cũng kêu gọi các ngân hàng cho vay với các công ty muốn mở rộng hoạt động tại các quốc gia tham gia chương trình Vành đai - Con đường.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có lợi thế từ đồng tiền giảm giá. Nhân dân tệ đang ở mức yếu nhất so với USD trong hơn 15 năm, khiến hàng hóa của họ rẻ hơn khi xuất khẩu. Nhưng lý do của làn sóng hàng hóa "Made in China" không chỉ do tỷ giá, mà chủ yếu bởi dư cung. Goldman Sachs chỉ ra một số sản phẩm đang bị dư cung ở Trung Quốc, bao gồm pin, máy xúc và một số hóa chất.
Thương hiệu ôtô điện Weltmeister của Trung Quốc, thuộc sở hữu của WM Motor Technology trụ sở tại Thượng Hải, đã thua lỗ trong nhiều năm. Một trong các nhà máy của hãng đã ngừng sản xuất một thời gian trước khi hoạt động lại vào tháng 6 sau khi chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính.
Kang Yun, đại diện công ty cho biết, nhà máy này nhằm mục đích "đẩy nhanh việc giao các đơn đặt hàng ở nước ngoài để mở rộng thị phần toàn cầu". Tháng 10, công ty cho biết kế hoạch tái cơ cấu của họ đã được tòa án Thượng Hải chấp nhận và họ có ý định thu hút thêm các nhà đầu tư mới để "tái sinh".
Brad Setser, học giả tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết với nền kinh tế đang suy yếu, Trung Quốc đương nhiên tìm kiếm xuất khẩu. "Tuy nhiên, bất kỳ sự mở rộng đáng kể nào của xuất khẩu quá mức sẽ đè bẹp hoạt động sản xuất ở những nơi khác", ông lưu ý.
Trong quá khứ, những lần Trung Quốc cố gắng xuất khẩu để giải quyết tình trạng dư thừa công suất đã tạo ra căng thẳng ở một số nơi. Ví dụ, những năm 2000, các sản phẩm quang điện giá rẻ của họ – được sử dụng trong các tấm pin mặt trời – tràn vào châu Âu và Mỹ và khiến một số nhà sản xuất nội địa phá sản.
Vụ việc cũng gây ra các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về việc liệu trợ cấp Bắc Kinh liệu có tạo ra cạnh tranh không công bằng hay không. Hay như sản lượng dư thừa tại các nhà máy thép Trung Quốc đã dẫn đến làn sóng đóng cửa ở các quốc gia phương Tây.
Theo các nhà kinh tế, lần này, căng thẳng có thể tệ hơn vì quy mô khổng lồ, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu của Trung Quốc, cũng như trong bối cảnh họ tin mối quan hệ giữa nước này với phương Tây đang lạnh nhạt. Ngoài ra, triển vọng nền kinh tế lớn thế hai thế giới cũng kém đi do dân số già, nợ nhiều và bất động sản - yếu tố cần thiết cho tăng trưởng - khó phục hồi mạnh mẽ.
Nhiều nhà kinh tế đã kêu gọi Bắc Kinh hành động hơn nữa để khuyến khích tiêu dùng nội địa, giúp giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa. Nhưng thay vào đó, giới chức chọn gia tăng tín dụng cho công nghiệp và kích thích xuất khẩu. Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Absolute Strategy Research (Anh) lo ngại khả năng hấp thụ. "Phần còn lại của thế giới có khả năng không thể hấp thụ thêm hàng xuất khẩu của Trung Quốc", ông nói.
Báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu Rhodium Group theo dõi hơn 100 thương hiệu ôtô Trung Quốc, cho biết nhiều thương hiệu không có lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng doanh số trong nước chậm lại. Điều này thúc đẩy họ tìm kiếm các thị trường sinh lợi hơn ở nước ngoài. Kết quả, thị phần xuất khẩu xe điện toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 4% vào năm 2020 lên 21% vào năm 2022.
Không tính các thương hiệu nước ngoài như Tesla, xe điện thương hiệu Trung Quốc giá rẻ hơn đang trở thành phần lớn của bức tranh xuất khẩu. Theo Schmidt Automotive Research, thị phần của họ trong tổng doanh số bán xe điện tại EU đã tăng từ 0,5% vào năm 2019 lên hơn 8% cho đến năm 2023.
Ngay cả ôtô động cơ đốt trong cũng tìm đường ra nước ngoài khi người Trung Quốc chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, theo Andrew Batson, nhà phân tích tại Gavekal. Xuất khẩu ôtô chạy xăng của nước này đã tăng 6 lần trong 3 năm qua. Ông cho biết doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phát triển năng lực làm xe xăng nhờ thị trường xuất khẩu ôtô giá rẻ ngày càng mạnh mẽ.
Ngoài ôtô, các nhà sản xuất phương Tây cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các sản phẩm năng lượng tái tạo giá rẻ, bao gồm tuabin gió và tấm pin mặt trời. Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, xuất khẩu tấm pin mặt trời của Trung Quốc đã tăng khoảng 30% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022, lên 114 gigawatt, tương đương với tổng công suất lắp đặt tấm pin mặt trời của Mỹ.
Gunter Erfurt, CEO nhà sản xuất pin mặt trời Meyer Burger Technology (Thụy Sĩ) cho biết giá mô-đun năng lượng mặt trời ở châu Âu giảm 50% trong vòng 4 tuần cuối năm ngoái. Đó là dấu hiệu Trung Quốc đang giảm giá với "tốc độ chưa từng có" để giành thị phần.
Từ tháng 3 đến tháng 9, giá các tấm silicon của công ty năng lượng mặt trời Longi Green Energy Technology (Thiểm Tây) đã giảm hơn 50%. Chủ tịch Li Zhenguo Li nói công ty tiếp tục tăng trưởng từ 20% đến 30% ở nước ngoài trong những năm gần đây và dự kiến tiếp tục mở rộng trong 2024.
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu đã gửi thư cho chính quyền EU vào tháng 9 kêu gọi giúp giải phóng hàng tồn kho để ngăn chặn làn sóng phá sản do nhu cầu chậm lại và cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc. Phát ngôn viên EU cho biết các cơ quan quản lý đang theo dõi chặt chẽ nhưng chưa ra quyết định.
Một ngành khác đang theo dõi chặt là thép. Theo dự báo của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, nhu cầu nội địa sẽ giảm 1,1% trong năm nay do hoạt động xây dựng nhà ở trì trệ, nhưng sản xuất tiếp tục tăng.
Theo Frederic Neumann, Kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, nói giá xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ 2022, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng 53% trong tháng 10. Hồi tháng 8, Mỹ công bố áp thuế khoảng 123% đối với kim loại đóng hộp nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ulf Zumkley, Chủ tịch ủy ban thép của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc, kết hợp với việc sản xuất quá nhiều ở nơi khác "có thể gây ra khủng hoảng sâu sắc trong ngành thép trong tương lai".
Tuy nhiên, hàng hóa dư thừa của Trung Quốc cũng có những mặt tích cực, bao gồm cả khả năng giúp giảm lạm phát. JPMorgan ước tính giá sản xuất giảm ở Trung Quốc sẽ làm giảm lạm phát hàng hóa lõi toàn cầu bên ngoài nước này xuống 0,7 điểm phần trăm trong nửa cuối 2023.
Nhiều hàng hóa dư thừa của Trung Quốc đang được săn lùng ráo riết. Xe điện, pin và tấm pin mặt trời giá rẻ từ Trung Quốc có thể giúp Mỹ và các quốc gia khác đạt được mục tiêu giảm phát thải nhà kính.
Phiên An (theo WSJ)