Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận đây là mục tiêu có nhiều thách thức nhưng có thể nỗ lực đạt được.
Đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2024 có nhiều thách thức nhưng chúng ta cần đặt mục tiêu cao để phấn đấu.
"Tôi cho rằng nếu nền kinh tế phát huy được những động lực tăng trưởng hiện hữu, tìm kiếm và khai thác tốt những động lực tăng trưởng mới thì mục tiêu tăng trưởng đề ra khả thi", ông Lực nói.
Về kiểm soát lạm phát năm tới từ 4 - 4,5%, theo ông Lực, dù còn nhiều thách thức nhưng khả thi vì dự báo lạm phát của toàn cầu năm 2024 sẽ tiếp tục giảm.
Những năm qua VN đã kiểm soát lạm phát tương đối tốt, nên trong năm 2024, lạm phát có thể nhích lên một chút nhưng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), với nền tăng trưởng GDP không cao năm nay thì mục tiêu tăng GDP 6 - 6,5% năm tới khả thi.
Điều kiện để đạt được mục tiêu này là các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, địa phương tiếp tục được duy trì. Ví dụ như phải thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ lãi suất để giúp doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục kích thích xuất khẩu.
"Nhìn chung năm 2024 nền kinh tế vẫn chịu nhiều cơn gió ngược nên có khả năng tăng trưởng GDP chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế như năm nay, nhiều khả năng chúng ta phải chờ đến năm 2025 tình hình kinh tế thế giới khá lên thì kinh tế của cả khu vực Asean, trong đó có VN, mới tăng trưởng cao trở lại", ông Việt cho hay.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đà phục hồi chậm kinh tế toàn cầu. Ở trong nước doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, giải ngân đầu tư công thì chưa như mong muốn.
Ông Lâm cho biết: "Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cầu tiêu dùng 100 triệu dân trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm sau, dù số liệu tổng mức bán lẻ, tiêu dùng theo thống kê quý sau cao hơn quý trước".
Ông Lâm hy vọng tổng cầu thế giới năm 2024 sẽ bình phục tốt hơn năm nay. Vị chuyên gia này tin tưởng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của VN.
Động lực tăng trưởng ở đâu?
Về động lực tăng trưởng kinh tế của VN năm 2024, theo phân tích của ông Lực thì VN cần phát huy hơn nữa các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.
Tiêu dùng hiện đang tăng thấp, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng 9,7% tính đến hết 10 tháng, nếu loại trừ yếu tố lạm phát tiêu dùng tăng khoảng 6,7%. Còn tiêu dùng cuối cùng đang tăng tầm 3,3 - 3,5%, chỉ bằng nửa các năm trước thông thường 6 - 7%.
"Nhưng tôi hy vọng sẽ phục hồi, tăng trưởng tốt hơn vì đơn hàng xuất khẩu đang tăng trở lại. Có đơn hàng xuất khẩu sẽ có việc làm, có việc làm sẽ tạo ra thu nhập, dẫn tới tăng tiêu dùng. Cộng với khá nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ và địa phương", ông Lực cho biết.
Ông Lực dự báo rằng các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ là thúc đẩy kinh tế số, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt ở các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM.
Đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản kinh doanh, đặc biệt cần khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.
Về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, ông Việt kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại khi hiện có những tín hiệu xuất khẩu tích cực trong quý 4 năm nay.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kích thích cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT. Một nhân tố khác là độ trễ trong giải ngân vốn đầu tư công năm nay sẽ kích hoạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm sau.
* Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Tập trung cải cách thủ tục hành chính
Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6 - 6,5% là khá cao.
Tuy nhiên, từ các điểm sáng nền kinh tế trong quý 4-2023 như xuất khẩu, thu hút khách du lịch dù chưa bằng trước dịch COVID-19 hay giải ngân vốn đầu tư công kết quả khá tốt, tiêu dùng... đã cho thấy không ít cánh cửa mở ra để nước ta có thể đạt được mức tăng trưởng này.
Điều quan trọng nhất là Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tuyệt đối không ban hành thêm các thủ tục dạng "giấy phép con".
Thực tế, theo số liệu được các tổ chức, hiệp hội đưa ra thời gian qua thì thủ tục hành chính vẫn là điều gây nhiều khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp, thời gian. Đồng thời cũng phải tăng cường việc phân cấp, phân quyền.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Xét trên ba trụ cột tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng thì mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% mà Quốc hội giao cho năm 2024 là khả thi.
Thực tế, với trụ cột đầu tiên, xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, triển vọng.
Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng có nhiều yếu tố để phục hồi.
Đặc biệt, cuối năm nay đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu từ nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, tác động lên thị trường lớn.
Năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều đó cũng tạo sức cầu lớn, do đó nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay.
Thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường vai trò kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn để thúc đẩy thực hiện, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, người đứng đầu, tăng cường phân cấp phân quyền để giao nhiệm vụ cho cấp dưới chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội):
Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, Việt Nam cần phải nỗ lực rất cao.
Trước hết, cần rất quyết liệt giải những nút thắt về thể chế để khơi thông nguồn lực thì mới có thể nắm bắt nhanh những cơ hội mới.
Nếu không có những phản ứng, tiếp nhận kịp thời thì các nhà đầu tư có thể đi đầu tư ở nơi khác.
Cùng với đó, có cơ chế thể chế tốt thì chúng ta mới khơi thông được nguồn lực đầu tư công.
Đồng thời phải tiếp tục tăng thêm các chính sách mới, tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng.
Chẳng hạn chính sách thuế giá trị gia tăng, tiếp tục giãn hoãn và cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ khác gọi là thực hiện chu kỳ tài khóa ngược để cho các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi. Có như vậy, tiêu dùng sẽ tăng lên để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế.
* Đại biểu NGUYỄN VĂN LỢI (bí thư Tỉnh ủy Bình Dương):
Giải ngân đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội
Phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Đặc biệt với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sự tham gia đầu tư của tư nhân ở rất nhiều mảng, lĩnh vực từ đầu tư hạ tầng, y tế, giáo dục...
Đầu tư của Nhà nước cần phát huy vai trò là "vốn mồi" để kích thích, hỗ trợ vốn đầu tư tư nhân.
Ví dụ như hiện Bình Dương đang đầu tư những khu công nghiệp mới, trong đó có tập đoàn nước ngoài đang xây dựng nhà máy trị giá hàng trăm triệu đến hơn 1 tỉ USD.
Bên cạnh việc đầu tư của doanh nghiệp thì Nhà nước cũng làm đường đến khu công nghiệp, nhà máy, kết nối với sân bay, cảng. Qua đó, vốn đầu tư của Nhà nước và vốn xã hội hóa được cộng hưởng, phát huy hiệu quả tốt nhất.
Chiều 9-11, với 90,49% số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, “chốt” chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%.