Doanh thu các trường đại học đến từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phần lớn đến từ học phí. Trường doanh thu cao, quy mô đào tạo càng khủng. Tuy nhiên, đây không phải là quy luật chung cho tất cả các trường.
Các số liệu trong bài được khai thác, tổng hợp từ báo cáo ba công khai của các trường đại học năm 2022, không sử dụng nguồn trung gian.
Sinh viên nhiều, nguồn thu càng lớn
Thống kê của Tuổi Trẻ Online cho thấy trường có quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay là Trường đại học Văn Lang với trên 42.000 sinh viên.
Theo ghi nhận, Trường đại học Văn Lang đã đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ từ lâu nhưng ba báo cáo công khai năm 2022 của trường này, số lượng đào tạo sau đại học là 0. Quy mô đào tạo của trường theo số liệu báo cáo toàn bộ là sinh viên đại học.
Một số trường đại học khác có quy mô đào tạo lớn là Kinh tế Quốc dân và Cần Thơ. Trong khi đó, dù đạt doanh thu ngàn tỉ nhưng quy mô đào tạo của Trường đại học Tôn Đức Thắng chỉ hơn 23.000 sinh viên.
Về cơ cấu số lượng theo bậc đào tạo, bậc sau đại học ở nhiều trường khá khiêm tốn. Trường đại học Kinh tế Quốc dân có quy mô đào tạo sau đại học lớn nhất trong các trường, khi có hơn 4.500 học viên thạc sĩ và 504 nghiên cứu sinh.
Đại học Kinh tế TP.HCM có quy mô đào tạo thạc sĩ cũng trên 4.000 và 292 nghiên cứu sinh.
Thống kê của Tuổi Trẻ Online cũng thấy quy mô đào tạo của các trường tương đồng với doanh thu. Quy mô lớn, doanh thu cao, tuy nhiên cũng có vài ngoại lệ khi quy mô lớn nhưng doanh thu thấp hoặc ngược lại.
Nhìn vào số liệu có thể thấy những trường đại học doanh thu ngàn tỉ phần lớn có quy mô đào tạo rất lớn.
Dù mức học phí của các trường khác nhau nhưng đây là nguồn chính đóng góp vào tổng doanh thu các trường. Do đó, sinh viên càng đông, nguồn thu từ học phí sẽ càng lớn.
Ở chiều ngược lại, một số trường quy mô tương đối lớn nhưng doanh thu không cao như Trường đại học Giao thông vận tải hay Công nghiệp Hà Nội.
Trong khi đó, một số trường dù quy mô đào tạo không cao nhưng lại có doanh thu khủng. Chẳng hạn quy mô đào tạo Trường đại học Hoa Sen nhỏ hơn khoảng 5 lần Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhưng doanh thu không thấp hơn bao nhiêu.
Điều này cho thấy học phí của trường rất cao. Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng có doanh thu lớn dù quy mô chỉ hơn 15.000 sinh viên, học viên.
Đại học quy mô lớn, giảng viên ít
Nếu như quy mô và doanh thu có sự khác biệt giữa các trường thì tương quan giữa quy mô và giảng viên lại có sự "thống nhất cao" giữa các trường đại học.
Hầu hết trường có quy mô càng lớn, giảng viên càng ít, tỉ lệ sinh viên/giảng viên càng cao, nhất là các trường công lập.
Thống kê cho thấy Trường đại học Công nghệ TP.HCM bất ngờ có số lượng giảng viên nhiều nhất, kế đến là Trường đại học Văn Lang.
Những trường đại học có quy mô thuộc hàng lớn nhất như Kinh tế Quốc dân hay Kinh tế TP.HCM lại chỉ có 600 - 700 giảng viên cơ hữu.
Hoa Sen là trường có số lượng giảng viên ít nhất trong thống kê này, tuy nhiên quy mô của trường cũng thấp hơn rất nhiều các trường đại học khác.
Hiện nhiều trường có tỉ lệ sinh viên/giảng viên rất cao. Cao nhất là Trường đại học Kinh tế Quốc dân, kế đến là Kinh tế TP.HCM, Cần Thơ, Bách khoa Hà Nội.
Trong khi đó tỉ lệ sinh viên/giảng viên ở nhiều trường đại học khác rất thấp như Công nghệ TP.HCM 13,3 sinh viên/giảng viên, Y Dược TP.HCM 16,1, Hoa Sen 19,2.
Cần nói rõ thêm, nếu tính quy đổi theo học hàm học vị giảng viên, tỉ lệ sinh viên/giảng viên sẽ thấp hơn ở tất cả các trường.
Năm 2020, lần đầu tiên một trường đại học Việt Nam đạt doanh thu 1.000 tỉ đồng. 2 năm sau, số trường nghìn tỉ tăng 9 lần.