Số liệu này được Chính phủ nêu trong báo cáo gửi Quốc hội về kế hoạch tài chính 2023, kế hoạch 2024 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách (không dùng ngân sách Nhà nước) do trung ương quản lý.
Chính phủ đánh giá đây là một trong số quỹ hoạt động hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn trong thời gian ngắn thành lập. Quỹ này đã huy động được gần 7.964 tỷ đồng sau một tháng hoạt động. Lũy kế tới cuối tháng 9/2023, Quỹ vaccine phòng Covid-19 có gần 10.842 tỷ đồng, gồm tiền lãi gửi ngân hàng trên 202 tỷ.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 là một trong 22 quỹ tài chính ngoài ngân sách, được lập tháng 5/2021 theo quyết định của Chính phủ, khi dịch Covid-19 bùng phát. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý quỹ này. Quỹ này tiếp nhận, quản lý và dùng các nguồn tài trợ để mua vaccine phòng Covid-19 hoặc hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước. Theo quy định quỹ được dùng vốn nhàn rỗi của quỹ được gửi tại các ngân hàng thương mại, nhằm bảo toàn, phát triển vốn.
Chính phủ giao Bộ Y tế phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang B. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ quyết toán và trình Thủ tướng giải thể Quỹ vaccine phòng Covid-19 và số dư quỹ này sẽ nộp về ngân sách trung ương để chi cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài quỹ vaccine, Chính phủ cho hay còn có một số quỹ có quy mô lớn, nguồn thu và chi lớn mỗi năm, như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn lại là quy mô nhỏ, hoạt động hẹp.
Tuy nhiên, 6 quỹ phải giải thể, sáp nhập trong 6 năm qua do không hiệu quả. Số này gồm Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế... Riêng năm nay, không có quỹ ngoài ngân sách nào được lập, giải thể, sáp nhập.
Một số quỹ chậm điều chỉnh nhiệm vụ phù hợp yêu cầu cấp bách trong tình hình mới. Việc rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành mới văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động một số quỹ còn chậm.
Về tài chính, theo Chính phủ, năm nay các quỹ trên thu được khoảng 548.400 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ so với kế hoạch. Tuy nhiên, số dư quỹ đến cuối năm nay vẫn tăng 7,5% so với năm ngoái, đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng. Trong đó, ba quỹ thuộc quản lý của Bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 91% tổng số dư các quỹ; Quỹ tích quỹ trả nợ khoảng 8%. Các quỹ đã chi 448.600 tỷ đồng, tăng 3.200 tỷ đồng so với kế hoạch.
Kế hoạch năm 2024, Chính phủ dự kiến tổng thu từ các quỹ khoảng 585.300 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm nay. Nhờ đó, tổng dư quỹ tăng lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 5,5% so với cuối 2023.
Chi quỹ năm sau khoảng 503.600 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2023. Trong đó, tiền cấp và hỗ trợ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người hưởng thụ hưởng trước 1/1/1995 của Quỹ bảo hiểm xã hội khoảng 48.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ bổ sung cho Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 250 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch gần 131 tỷ đồng. Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia và đổi mới công nghệ lần lượt là 300 tỷ và 133 tỷ đồng;
Chính phủ cho hay các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát việc lập, quản lý và sử dụng các quỹ được giao quản lý, cũng như xây dựng lộ trình cơ cấu lại số không hiệu quả, hoặc không có khả năng độc lập về tài chính.
Anh Minh