Lễ trao do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các tỉnh đoàn tổ chức. Trong đó có 48 suất (15 triệu đồng/suất) và hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm) tiếp sức tân sinh viên vượt khó thực hiện ước mơ giảng đường.
"Không ai chết đuối trong mồ hôi, nước mắt của mình"
Câu chuyện của hai tân sinh viên mồ côi Ngô Thị Hồng Hạnh (Trường ĐH Nha Trang) và Lê Văn Sỹ (Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa) tại lễ trao khiến nhiều người rơi nước mắt cảm thương. Cha bỏ đi khi hai anh em Hạnh còn bé, rồi mẹ qua đời vì bệnh tim. Hạnh sống cùng bà Ngô Thị Bảy, người hàng xóm tốt bụng, đã nhận cưu mang bạn.
Hạnh ít khi thể hiện nỗi buồn ra bên ngoài. Những giọt nước mắt thường được bạn giấu kín cho riêng mình. Thay vào đó, người ta thấy cô bé luôn lạc quan, phấn đấu không ngừng.
Hạnh nói câu chuyện thử đến chiếc bóng đèn thứ 10.000 của Thomas Edison như lời tự nhắc chính mình rằng phải nỗ lực từng ngày bởi thiên tài bẩm sinh chỉ có 1% còn 99% là mồ hôi và nước mắt.
"Đó cũng là động lực để mình phấn đấu mỗi ngày vì không có ai chết đuối trong mồ hôi và nước mắt của mình cả. Nhìn lại, mình vẫn thấy may mắn khi có đủ sức mạnh, trí tuệ để học tập, vẫn có những người yêu thương bên cạnh", Hạnh chia sẻ.
Hạnh nói bà Bảy như người mẹ thứ hai của mình. Bà Bảy lau nước mắt tâm sự rằng thấy may mắn khi nhận Hạnh về ở cùng vì vừa chăm, vừa ngoan. Nhưng cuộc sống thiếu thốn quá, có lần Hạnh xin tiền học tiếng Anh mà bà không đủ khả năng. Những lúc ấy bà bảo rất buồn, rất muốn giúp mà không biết xoay ra sao.
Trong khi đó, Lê Văn Sỹ mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn cách đây 13 năm. Một tay ông nội đã nuôi nấng bốn anh em Sỹ ăn học, ráng bù đắp tình thương cho những đứa cháu tội nghiệp. "Mình nhập học, ông nội phải vay mượn đủ nơi. Lúc đó mình đã định nghỉ học đi làm nhưng nghĩ phải cố gắng học để còn báo đáp công ơn của nội, chăm lo cho em trai", Sỹ nói.
Sỹ muốn trở thành bác sĩ nha khoa, sau này mở phòng khám răng và dành một phần lợi nhuận giúp các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình.
Hồng Hạnh đến giảng đường để thực hiện ước mơ làm dược sĩ tìm ra loại thuốc cứu chữa những người bệnh tim như mẹ, cũng là thực hiện lời hứa với anh trai hiện đang thi hành nghĩa vụ quân sự đã nhường cơ hội tiếp tục đi học cho em gái.
Hãy tiếp sức cho thế hệ đi sau
Động viên các tân sinh viên, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hoàng Nguyên cho rằng ân tình trong những suất học bổng lớn hơn khoản vật chất mà các bạn nhận được. Ấy là trao sự tin tưởng và kỳ vọng vào một lớp trẻ biết phấn đấu vươn lên.
"Hãy tiến về thành công phía trước với sự kiên cường như cái cách mà các bạn không đầu hàng số phận", nhà báo Hoàng Nguyên phát biểu.
Đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình qua nhiều mùa trao học bổng, bà Trịnh Thị Hồng Vân - phó tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa - cho hay công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ các tân sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp để các bạn đủ tự tin, thêm hành trang bước vào đời.
Ông Đinh Văn Thiệu - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đánh giá chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ là sự truyền lửa, chuyển nhiệt huyết cho các thế hệ sinh viên. "Chương trình đã tiếp thêm cho các tân sinh viên niềm tự hào về sự học, về ý chí vượt khó để vững vàng đối diện với trách nhiệm lớn lao của đội ngũ trí thức trước những chân trời khoa học đang chờ đón phía trước" - ông Thiệu nói.
Món quà đặc biệt cho Lê Văn Sỹ
Điều khá đặc biệt tại lễ trao học bổng khiến khán phòng vỡ òa khi ngoài suất học bổng đặc biệt, bà Bùi Thị Dung - chủ tịch Công ty Nha khoa Anna - quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập cho Lê Văn Sỹ trong suốt thời gian theo học chuyên ngành kỹ thuật phục hình răng tại Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa.
Nhận món quà bất ngờ, Sỹ nói chưa bao giờ lại thấy giấc mơ thành nha sĩ của mình đang gần đến thế.
Tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường đều có những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tất cả có chung một quyết tâm, được bước tiếp trên con đường tri thức để thực hiện những lời hứa, ước mơ của bản thân và những người tin yêu.