Biểu lãi suất tiền gửi (lãi suất huy động) tại hàng loạt ngân hàng (NH) hiện giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến người gửi tiền kém vui và lúng túng.
Gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn
Ngày 10-11 vừa qua, NH Vietcombank tiếp tục giảm thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Ví dụ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm chỉ còn 2,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng còn 3,9%/năm. Đối với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm. Đây được xem là mức thấp kỷ lục tại NH này.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mức lãi suất thấp nhất trên hệ thống NH. Khảo sát mặt bằng lãi suất tiền gửi mới nhất tại nhiều NH cho thấy đối với kỳ hạn một tháng chỉ dao động quanh mức 3,3%-4,4%/năm. Cá biệt tại Hong Leong Việt Nam (NH mẹ đặt tại Malaysia), lãi suất tiền gửi giảm chỉ còn 1%/năm, thấp nhất toàn hệ thống NH hiện nay. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi 6%/năm đối với kỳ hạn sáu tháng gần như biến mất khỏi thị trường.
Như vậy, so với sáu tháng gần đây, lãi suất tiền gửi ở tất cả kỳ hạn của các NH đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm. Tính chung, lãi suất huy động tại nhiều NH hiện giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhu cầu vay vốn thấp của người dần và nhà kinh doanh khiến thanh khoản hệ thống NH dư thừa là nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu.
Việc lãi suất tiền gửi giảm xuống mức kỷ lục khiến người gửi tiền hụt hẫng, thậm chí nhiều người rút tiền từ NH để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản. Một số người khác thì phân vân chưa biết đầu tư vào đâu để có lời vì thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, vàng liên tục nhảy múa, địa ốc vẫn chưa hồi phục.
Chị Thảo Anh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: Đầu tháng 5 vừa qua, chị gửi tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng vẫn được hưởng mức lãi suất 8,5%/năm. Với số tiền gửi 500 triệu đồng, sau sáu tháng, chị có thêm gần 22 triệu đồng tiền lãi. Nhưng giờ đây cũng kỳ hạn này, NH chỉ trả mức lãi 4,8%/năm. Nếu chấp nhận gửi tiếp, sau sáu tháng tới đây chị chỉ nhận được khoản tiền lãi 12 triệu đồng, giảm gần một nửa so với trước.
“Lãi suất tiền gửi tại các NH đã chạm đáy so với hai năm trước, khiến mức lợi nhuận từ kênh tiết kiệm đang bị giảm quá sâu, không còn hấp dẫn nữa. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác cũng bấp bênh với nhiều rủi ro nên tôi đau đầu chọn kênh để xuống tiền. Tuy vậy, hiện tôi vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm do an toàn” - chị Thảo Anh chia sẻ.
Lãi suất tiền gửi khó giảm thêm
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc các NH liên tục hạ lãi suất tiền gửi là trái ngược với xu hướng của các năm trước. Bởi thông thường vào thời điểm cuối năm, các NH phải tăng cường huy động vốn để có tiền cho vay mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Nói cách khác, các NH hiếm khi đua nhau giảm mạnh lãi suất tiền gửi mùa cuối năm bởi điều này đồng nghĩa là NH không thể thu hút tiền gửi từ thị trường.
Trước diễn biến “lạ” này, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH), cho rằng hiện nay thanh khoản của các NH đang rất dồi dào, huy động thì dễ mà cho vay thì khó. Nói cách khác, NH đang rơi vào tình trạng có tiền nhưng không tiêu được. Do đó, để giảm chi phí vốn, các NH buộc phải giảm lãi suất để “hạn chế” nhu cầu gửi tiền, song nó cũng có tính hai mặt.
Đó là khi lãi suất tiền gửi giảm xuống mức quá thấp có thể gây ra sự đảo chiều dòng vốn, tức là người dân không muốn gửi tiền nữa, mà có xu hướng rút vốn khỏi NH để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng… Một khi dòng vốn bị đảo chiều đột ngột sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của NH.
Tuy nhiên, TS Huân cũng cho rằng hiện nay các NH không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất huy động thêm và cũng không nên giảm nữa. Bởi lãi suất huy động giảm quá nhiều sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. Hay nói cách khác, khi đó NH Nhà nước (NN) chỉ còn cách duy nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, chứ muốn nới lỏng thêm nữa cũng không được. Hơn nữa, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, dòng tiền có nguy cơ chảy vào các kênh đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản và bong bóng tài chính lại tiếp tục hình thành, gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế.
Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước cần tập trung cho tăng trưởng kinh tế ổn định, chứ không phải kích thích tăng trưởng bằng mọi giá. Chính sách tiền tệ không phải là cây đũa thần, không phải cứ giảm lãi suất là kinh tế tăng trưởng mà nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa.
“Hiện chính sách tiền tệ đã có dấu hiệu bão hòa rồi, tức là đã nới lỏng đủ rồi. Muốn nền kinh tế tăng trưởng thì phải phối hợp với các chính sách khác, như là chính sách tài khóa. Cụ thể là Nhà nước nên tập trung vào việc giảm thuế, phí nhiều hơn, hoặc có chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng nhiều hơn để kích thích tiêu dùng nội địa” - TS Huân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá: Lãi suất huy động hiện giảm kịch sàn rồi nên khó có thể kỳ vọng các NH sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm thêm. Hơn nữa, lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3%-3,5% nên lãi suất huy động cũng phải neo ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương, thỏa mãn yêu cầu của người gửi tiền.
Lãi suất cho vay một số ngân hàng vẫn còn cao
Nhiều doanh nghiệp phản ánh dù lãi suất huy động tiền gửi đã giảm rất sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã chỉ đạo, đưa thông điệp và sử dụng nhiều công cụ để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất.
Đến thời điểm này, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới đã giảm khoảng 2%-2,2%/năm. Tuy nhiên vẫn còn một số khoản cho vay trước đây, khi mà các NH thương mại huy động cao thì vẫn còn đang neo cao vì độ trễ của chính sách.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm: “Tất nhiên vẫn có NH đang có mức cho vay bình quân còn cao, khoảng 9%/năm trở lên. Tất cả NH này đã được chỉ rõ và chúng tôi cũng đã yêu cầu phải tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất”.