Nằm trên giường bệnh với các cơn đau khớp dữ dội kèm các biến chứng, nhiều bệnh nhân vỡ lẽ và hối hận vì đã dùng thuốc giảm đau vô tội vạ và từng xem chúng là "thần dược".
"Bỏ không được, dùng cũng không xong"
Đang điều trị tại khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) được hai ngày, bệnh nhân T. (67 tuổi) vẫn còn đau đớn ở các khớp, khuôn mặt sưng phù và tròn như mặt trăng. Ông cho hay mình đã bị đau nhức các khớp từ hai năm trước và tự mua thuốc về uống từ đó. "Cứ uống hết thuốc là đau lại nên tôi luôn cần thuốc", ông nói.
Đến lúc cơ thể xuất hiện hàng loạt biến chứng, các khớp đau thấu trời khi không có thuốc ông T. mới ngộ ra: những thuốc này "bỏ không được, dùng cũng không xong" nên đến Bệnh viện Nhân dân 115 khám và nhập viện điều trị.
Phòng bên, một bệnh nhân rên rỉ vì những cơn đau nhức ở các khớp tay và chân, nhất là phía bên trái. Được bác sĩ thăm khám, bệnh nhân rất khó khăn mới nhích được cẳng chân. "Bệnh này khi uống thuốc sẽ giảm đau nhiều, trước đó tôi có mắc thêm bệnh gout, hen phế quản", ông thều thào nói.
Không may mắn vì mắc bệnh tự miễn trong cơ xương khớp, cụ thể là lupus ban đỏ khiến các cơ phần da ở lưng và cổ ửng đỏ, ngứa, khó thở, sinh viên mỹ thuật tên M. (ngụ TP.HCM) cho hay bác sĩ điều trị đã thông báo bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn, cần giữ tinh thần thoải mái, tránh suy nghĩ tiêu cực.
M. cho hay mình bị đau xương khớp đã mấy năm nay, khởi phát ở cổ tay, nghĩ do vẽ nhiều. Vùng đau này sau đó lan ra khớp gối, cánh tay, khớp vai... khiến M. không thể đứng, xoay trở, co duỗi các khớp nên đã đi khám, bác sĩ cho thuốc về uống.
Tuy nhiên chưa đầy một tháng cơn đau khớp tái phát, cùng các triệu chứng khác như khó thở, nổi nốt hồng khắp lưng, cổ và ngực.
Bác sĩ Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết độ tuổi bị thoái hóa khớp ngày càng trẻ. Trước đây bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nay ghi nhận nhiều bệnh nhân ở độ tuổi từ 30 - 40.
Tùy theo nghề nghiệp, thói quen vận động và sinh hoạt, hay mức độ bị chấn thương mà có thể gây ra tình trạng thoái hóa khớp sớm hơn.
Không thể "copy" toa thuốc
Theo bác sĩ Trân, nhiều bệnh nhân còn thói quen tùy tiện sử dụng thuốc không cần toa hay toa thuốc truyền miệng, sử dụng các sản phẩm y học cổ truyền quảng cáo trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc...
Không những tùy tiện uống thuốc, nhiều bệnh nhân còn tiêm thuốc giảm đau, khi vô tình có một ca khỏi bệnh sau tiêm, thông tin lan truyền và có rất nhiều bệnh nhân làm theo. Đã có nhiều ca gặp biến chứng vì điều này, trong đó nguy hiểm nhất là nhiễm trùng khớp tại chỗ.
Các thuốc giảm đau thường chứa corticoid, người bệnh cảm thấy các khớp được giảm đau giảm sưng nhanh nhưng không biết dễ lệ thuộc thuốc, lâu dần khuôn mặt bệnh nhân có thể to tròn như mặt trăng (hội chứng Cushing). Nhưng người bệnh ngưng đột ngột sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu, thậm chí tử vong.
Thực tế đã ghi nhận cùng dùng một liều thuốc giảm đau cơ xương khớp nhưng có bệnh nhân ổn định, có người lại gặp nhiều biến chứng. Với bệnh nhân có bệnh lý nền kèm theo như tim mạch, đái tháo đường, suy thận, nguy cơ bệnh nền diễn tiến nặng hơn và không kiểm soát được.
"Đây là điều mà các bác sĩ rất sợ. Các nhóm thuốc giảm đau cơ xương khớp không thể "copy" từ người này sang người khác vì cần có chẩn đoán chính xác mức độ bệnh để có thuốc điều trị phù hợp, cũng như thời gian dùng thuốc và liều lượng", bác sĩ Trân nói.
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Nam - phụ trách khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), hầu hết bệnh nhân dùng thuốc giảm đau chữa bệnh cơ xương khớp đều không biết chúng chứa corticoid. Một số ít bệnh nhân biết nhưng vì không lường được hậu quả khi dùng trong thời gian dài cho đến khi bị phụ thuộc.
"Từ truyền miệng, kháo nhau dùng thuốc theo kinh nghiệm, cho đến thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh như uống vào bệnh khỏi hoàn toàn nên người bệnh tin tưởng uống.
Cũng có nhiều bệnh nhân vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến bệnh viện nên tự ý mua thuốc rẻ tiền uống, rồi dẫn đến lạm dụng, tăng nặng biến chứng, đến khi vào bệnh viện thì đã trễ", bác sĩ Nam nói.
Bệnh tự miễn trong cơ xương khớp cần chẩn đoán sớm, điều trị tích cực
Về bệnh tự miễn trong cơ xương khớp, bác sĩ Trân cho hay đây là một bệnh lý không có nguyên nhân rõ rệt và xảy ra liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch. Bệnh biểu hiện ở nhiều cơ quan, riêng ở hệ thống cơ xương khớp thì biểu hiện ở khớp như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ...
Tùy theo đau, sưng, nóng, đỏ hay viêm khớp và kèm theo thay đổi như sụt cân, ăn uống kém, mệt mỏi, mất ngủ... cần đi khám, xét nghiệm máu để được định hướng nhóm bệnh và đánh giá có nguy hiểm hay không.
Tâm lý sợ bị gai ở khớp, thắc mắc có nên uống thuốc phòng ngừa
Bác sĩ Đoàn Thị Huyền Trân cho biết thêm, nhiều bệnh nhân đến khám tại khoa cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 thường lo sợ việc có bị gai ở khớp hay không và thắc mắc có nên uống thuốc phòng ngừa trước.
"Đây không phải là điều quá sợ hãi, bởi vì thoái hóa khớp chỉ điều trị khi bệnh nhân bị đau ở vị trí khớp đó, cộng với hình ảnh X-quang có tổn thương đặc trưng của thoái hóa khớp thì lúc này mới đặt vấn đề điều trị, chứ không uống thuốc phòng ngừa.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân phải chi trả tiền cho một số loại thực phẩm chức năng giá cao, do trước đó cứ nghĩ rằng "cái gì" bác sĩ kê toa cũng đều là thuốc.