Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đều khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về đề xuất bổ sung quy định tính điểm đối với bằng lái vào dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Sẽ buộc tài xế phải ý thức hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho biết nhiều quốc gia đã thực hiện tính điểm với bằng lái và cho thấy tính hiệu quả như một cách đánh giá thái độ của tài xế đối với vi phạm. Buộc tài xế phải ý thức hơn nữa để không bị tước giấy phép lái xe rồi phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại.
"Do đó, việc đưa tính điểm bằng lái đối với tài xế vào dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp", ông An nói.
Cũng theo ông An, có thể học kinh nghiệm của một số nước, đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm đối với bằng lái. Nếu tài xế vi phạm, tùy theo các lỗi sẽ bị trừ từ mức thấp nhất là 1 điểm, tới một mức điểm tối đa bao nhiêu sẽ bị hủy bằng, phải học, thi lại.
"Tuy nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm, mà những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, vượt đèn đỏ gây nguy hiểm sẽ bị trừ mức điểm cụ thể. Với những lỗi nghiêm trọng và thường xuyên tái phạm hay gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị trừ hết điểm, tịch thu bằng lái...", ông An đề xuất.
Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, viện trưởng Viện khoa học hình sự Bộ Công an (đại biểu tỉnh Quảng Bình), cho rằng công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ, dẫn đến nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khỏe, tâm thần hoặc nghiện ma túy...
Do đó, ông Nam đề nghị cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe... Đặc biệt, phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt về trật tự an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe.
Cũng theo ông Nam, cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe và coi đây là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
"Thực tế có nhiều người liên tục vi phạm luật giao thông trong một thời gian ngắn nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước đang áp dụng biện pháp này như một cách để đánh giá thái độ của tài xế đối với vi phạm, buộc họ phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp bằng trở lại", ông Nam nói.
Đại biểu Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cũng cho hay thời điểm ông thi và lấy bằng lái xe ở bang California (Mỹ) cũng áp dụng quy định, nếu tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ các lỗi cụ thể. Khi bằng lái trừ hết điểm sẽ bị thu hồi và bị phạt hành chính. Do vậy, ông Thiện đề nghị cần phải có quy định trừ điểm bằng lái xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông.
Cần hệ thống kết nối đồng bộ toàn quốc
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ủng hộ đề xuất nên bổ sung quy định về trừ điểm đối với bằng lái của tài xế vi phạm. Trong thực tế, theo ông Quyền, từ năm 2020, quy định trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm đã được đưa vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đề xuất này đã bị loại bỏ. Với điều kiện công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã phát triển như hiện nay, theo ông Quyền, việc thực hiện hình thức trừ điểm bằng lái thuận tiện, dễ dàng hơn so với trước đây.
Cũng theo ông Quyền, nếu áp dụng được hình thức trừ điểm bằng lái sẽ có nhiều mặt lợi như giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Phía doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.
"Nếu thực hiện chắc chắn sẽ mất một khoản chi phí để xây dựng hệ thống phần cứng, phần mềm, nhân lực quản trị hệ thống. Nhưng cơ quan quản lý sẽ có nghiên cứu, tính toán để cho mức chi phí phù hợp nhất", ông Quyền nêu.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình khẳng định việc tính điểm, trừ điểm đối với bằng lái là biện pháp có ưu điểm nhiều hơn so với cách xử phạt đang được áp dụng. Cụ thể, biện pháp này sẽ mang tính răn đe nhiều hơn đối với tài xế, buộc tài xế phải có ý thức, cân nhắc rất kỹ để tránh vi phạm. Trong khi đó, với biện pháp xử phạt từng lần một và giữa lần trước với lần sau không có liên thông với nhau, không bị ảnh hưởng gì đến bằng lái nên chưa đủ sức răn đe.
Các biện pháp xử phạt hiện nay cũng không có tác dụng ngăn ngừa là vi phạm lần 1 không dám vi phạm lần 2, lần 3.
"Còn cơ chế điểm sẽ có khung điểm trừ, ví như đến 20 điểm sẽ tước bằng lái và vi phạm vượt đèn đỏ lần 1 phạt 2 điểm, lần 2 phạt tiếp 2 điểm, tài xế chỉ còn 16 điểm để sử dụng. Như vậy, họ sẽ phải e dè hơn, không dám tiếp tục vi phạm. Với tác dụng răn đe này sẽ đóng góp tốt hơn vào đảm bảo trật tự an toàn giao thông", ông Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo ông Bình, để làm được biện pháp này sẽ có những khó khăn do đòi hỏi cần có hệ thống số hóa, kết nối về dữ liệu của tài xế thống nhất trên toàn quốc.
"Trước đây hệ thống của chúng ta chưa làm được như vậy nên dù có muốn thực hiện việc trừ điểm bằng lái cũng không làm được. Còn hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, nhất là với ứng dụng VNeID mà Bộ Công an đang triển khai đã bắt đầu thấy khả năng thực hiện khả thi", ông Bình nói.
Song ông Bình cũng chỉ rõ khi thực hiện làm chắc chắn sẽ tốn thêm chi phí đầu tư về hệ thống, máy chủ, dữ liệu... Việc này nếu được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ phải nghiên cứu, tính toán, đưa ra phương án cụ thể để thực hiện.
"Nhưng bù lại, chúng ta có sự răn đe mạnh hơn với người vi phạm. Khi cân nhắc giữa hai vấn đề này thì việc đưa vào áp dụng tính điểm bằng lái có lợi hơn", TS Bình đánh giá.
Biện pháp văn minh, hiện đại
Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục quy định như dự thảo luật trình Quốc hội khóa XIV về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Bởi trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước (Trung Quốc, Đức) hiện nay đang thực hiện.
Cũng theo cơ quan này, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để cả quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu cách trừ điểm cho phù hợp với đối tượng, hành vi và bảo đảm tính khả thi và phải học lại, thi lại giấy phép lái xe khi đã bị trừ đến một số điểm nhất định. Dù vậy, có ý kiến cho rằng nếu bổ sung thêm hình thức trừ điểm giấy phép lái xe sẽ phát sinh thủ tục hành chính, thêm hình thức xử lý vi phạm, gây phiền hà và áp lực cho tài xế.
Các nước tính điểm vi phạm như thế nào?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hệ thống tính điểm phạt khi vi phạm luật giao thông. Chẳng hạn tại Đức, Cơ quan Vận tải ô tô liên bang có trụ sở tại Flensburg là đơn vị vận hành hệ thống 8 điểm đối với các hành vi vi phạm giao thông.
Theo đó, việc sử dụng điện thoại khi lái xe được xác định là hành vi vi phạm nghiêm trọng, sẽ bị tính 1 điểm phạt và nộp ít nhất 60 euro (hơn 1,5 triệu đồng). Hành vi vô cùng nghiêm trọng như sử dụng rượu bia khi lái xe, lái xe vượt quá tốc độ quy định trong đô thị sẽ bị tính 2 điểm, đình chỉ bằng lái và phạt ít nhất 60 euro. Khi bị phạt đủ 8 điểm, người vi phạm sẽ bị tước bằng lái trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm tùy mức độ.
Người lãnh đủ 12 điểm vi phạm trở lên trong khoảng thời gian 3 năm tại Úc sẽ bị treo bằng lái xe (riêng bang New South Wales là 13 điểm). Cụ thể, đủ 12 - 15 điểm sẽ bị treo bằng lái trong 3 tháng, từ 16 - 20 điểm bị treo bằng 4 tháng, trên 20 điểm bị treo bằng 5 tháng.
Tuy nhiên, người vi phạm có thể nộp đơn xin thử thách "có hành vi tốt", được tiếp tục lái xe nhưng không thể bị trừ quá 2 điểm trong 12 tháng tiếp theo. Nếu không đáp ứng được sẽ bị treo bằng lái gấp đôi thời gian bị phạt ban đầu.
Trong khi đó, theo trang tin Business Insider, Trung Quốc đang triển khai một hệ thống chấm điểm công dân, trong đó việc vi phạm luật giao thông sẽ bị trừ điểm. Công dân có điểm "uy tín" thấp sẽ bị chế tài, ví dụ nước này từng áp dụng lệnh hạn chế di chuyển với việc chặn 17,5 triệu lượt mua vé máy bay và 5,5 triệu lượt mua vé tàu vào cuối năm 2018...
* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Nghiên cứu kỹ khung phạt, ý kiến người dân
Việc trừ điểm giấy phép lái xe người vi phạm giao thông là cần thiết, giúp tăng tính quản lý và đủ răn đe nhằm hướng đến đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều nước phát triển trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Singapore... đã áp dụng hình thức này từ lâu đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu muốn triển khai hiệu quả, cần nghiên cứu thật kỹ về khung phạt, tùy từng lỗi vi phạm mà có mức xử lý từ nhắc nhở đến trừ điểm, mức độ nào phải thi lại bằng lái... Mức phạt phải dựa trên từng hành vi vi phạm, những lỗi cố ý sẽ bị phạt nghiêm nhưng những lỗi khách quan nên được xem xét chưa áp dụng trừ điểm. Bước đầu nên áp dụng thí điểm đánh giá rồi mới chính thức áp dụng.
Cũng lấy thêm ý kiến người dân, tài xế, doanh nghiệp... để đưa ra mức phạt phù hợp, được sự đồng tình của đa số.
* Ông Lê Khả Hùng (Hội container Cát Lái): Đừng để xảy ra tiêu cực
Thời gian trước, Bộ Công an từng thực hiện bấm lỗ bằng lái với kỳ vọng siết chặt quản lý, nâng cao ý thức tài xế nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi dừng. Quá trình này, cánh tài xế gặp khó khăn, bằng lái bấm lỗ xấu xí. Một số tài xế cũng phàn nàn dễ phát sinh tiêu cực trong khâu xử lý...
Do đó, nếu muốn áp dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe, trước tiên cần nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động và hiệu quả rồi mới áp dụng. Đặc biệt, hạ tầng giao thông phải được đầu tư hoàn chỉnh hơn, việc phân luồng giao thông và bố trí tín hiệu giao thông đồng nhất không để sai sót. Quá trình áp dụng cũng cần được công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực làm khó cánh tài xế.
Bất cứ một quy định nào để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, người dân và doanh nghiệp sẽ tuân thủ. Dù vậy, việc áp dụng quy định vào thực tiễn phải hợp lý, khoa học để người dân an tâm.
Thảo luận tổ về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung quy định trừ điểm bằng lái và xem xét việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn.