Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ được công bố tối 14/11 theo giờ Việt Nam và được xem là một trong những chỉ số quan trọng hàng đầu để đánh giá tình hình lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quan tâm.
Theo dự báo, lạm phát tháng 10 tại Mỹ vẫn chịu áp lực từ giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao trong vài tháng qua. Tuy nhiên, thực tế tình hình lại tốt hơn kỳ vọng. Lạm phát tháng 10 tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng thấp nhất từ cuối quý III/2021.
Theo CNBC, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Mỹ không thay đổi so với tháng trước và tăng 3,2% khi so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, dù so với mức nào, CPI tháng 10 đều thấp hơn ước tính của phố Wall.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng lần lượt 0,2% và 4% trên cơ sở tháng và năm, so với dự báo là 0,3% và 4,1%. Nếu so sánh giữa các năm, đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021.
Tờ Bloomberg đưa ra 5 điểm chính cần quan tâm trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 10. Đối với điểm thứ hai, tờ báo này nhận định có nhiều tin tốt hơn về supercore, một thước đo được FED theo dõi chặt chẽ, bao gồm các dịch vụ cốt lõi trừ nhà ở. Chỉ số này đã tăng với tốc độ chỉ bằng 1/3 so với tháng 9, đây là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 7 và cũng là mức giảm tốc hàng tháng lớn nhất từ tháng 10/2022. Còn so với các năm trước, mức tăng này là yếu nhất từ tháng 12/2021.
Chủ tịch FED Jerome Powell (Ảnh: CNBC).
Cũng theo Bloomberg, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng lần này đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát của FED, khi giá cả ở nhiều danh mục đã được nới lỏng.
Chuyên gia Augusta Saraiva của tờ báo này nhận định, bất chấp một số biến động những tháng gần đây, lạm phát đã ổn định đáng kể từ mức cao nhất trong 40 năm vào năm ngoái. Điều đó khiến một số nhà hoạch định chính sách của FED phát đi tín hiệu họ có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất, tuy nhiên về phía Chủ tịch Jerome Powell vẫn nhiều lần nhấn mạnh FED có thể tăng lãi suất trở lại nếu cần.
Còn các nội dung trên tờ Nhật báo phố Wall cho thấy các nhà đầu tư không thận trọng như vậy, báo cáo CPI tháng 10 đã giúp thị trường chứng khoán và trái phiếu phục hồi khi các nhà đầu tư kết luận FED có thể đã hoàn tất quá trình tăng lãi suất.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm mạnh, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm gần 0,2 điểm %, xuống còn hơn 4,4%. Với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với kỳ vọng chính sách của FED cũng có mức giảm tương tự, xuống còn gần 4,9%.
Sau báo cáo CPI tháng 10, các nhà đầu tư phố Wall gần như loại bỏ dự báo về việc FED có thể tăng lãi suất trong hai cuộc họp tới vào tháng 12 và tháng 1. Thay vào đó, họ bắt đầu đưa ra kỳ vọng về thời điểm hạ lãi suất lần đầu vào tháng 5/2024 tăng trên 50%, sớm hơn 2 tháng so với các dự báo trước đây.
VTV.vn - Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ dự báo FED sẽ thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và 2025 để đảm bảo nền kinh tế Mỹ tránh được kịch bản suy thoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.99362722151113202-taus-ial-gnat-gnugn-def-oab-ud-noh-paht-ym-tahp-mal/et-hnik/nv.vtv