Đây là kết quả lần đầu được công bố trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh, do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) cùng Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) thực hiện năm 2022.
Top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics gồm: TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội có chỉ số ngang nhau. Xếp sau là Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Cần Thơ...
5 địa phương trong danh sách dự kiến chưa được đánh giá do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (LSP) là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.
Khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam trong hơn một năm từ 11/8/2022 đến tháng 11 năm nay; cung cấp bức tranh logistics của tất cả tỉnh, thành dựa trên 5 trụ cột chính gồm: kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics.
26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số doanh nghiệp logistics.
Báo cáo được thực hiện với xấp xỉ 2.000 mẫu và phỏng vấn sâu với thời lượng hàng trăm giờ cùng hàng chục cuộc họp cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu.
Đánh giá tại buổi công bố LCI chiều 17/11 tại TP HCM, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng ngành logistics Việt Nam đang dần hoàn thiện và phát triển. Các tỉnh thành trên cả nước đang nỗ lực nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ cho ngành.
Để hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Hải cho rằng các địa phương cần nâng cao năng lực cạnh tranh về logistic trong điều kiện mới nhằm đưa Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng trong hệ thống logistics thế giới.
Theo ông Hải, xu hướng thế giới đang dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và điểm đến mới là Việt Nam. Nhiều thương hiệu lớn đến từ Mỹ, châu Âu đã và đang có sự dịch chuyển về Việt Nam tạo bức tranh đầu tư đa dạng. Do đó, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội luân chuyển hàng hóa trong thời gian tới.
"Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics quan trọng của khu vực và thế giới", ông Hải nói thêm.
Hiện, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, 70% số đó tập trung ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, 90% công ty có vốn dưới 10 tỷ đồng; 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng.
Thi Hà