Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, các quán nhậu ế khách, bia rượu sụt giảm doanh số còn do việc cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định đo nồng độ cồn khi lái xe.
Khách nhậu giảm, quán trả mặt bằng
Là quản lý của ba quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng với doanh thu lên đến 200 - 300 triệu đồng mỗi đêm nhưng thời gian gần đây anh Nguyễn Xuân Tiến đang đau đầu vì lượng khách giảm sút. Theo đó, lượng tiêu thụ rượu bia, vốn đem lại lợi nhuận cao cho quán, giảm sút thê thảm.
Lấy doanh thu của một quán đang quản lý, anh Tiến cho biết trước đây mỗi đêm tiền bia rượu gần 15 - 30 triệu đồng nhưng nay chỉ còn dưới 10 triệu đồng. "Ăn mà không nhậu, bán chẳng lời. Quán nhậu mà khách tới chỉ ăn đồ nướng, lẩu... là thua toàn tập. Uống bia khách ngại đi đường bị phạt nồng độ cồn nên lượng khách thực sự đi nhậu cũng ít hẳn", anh Tiến nói.
Thực tế tại các tuyến đường ở TP.HCM nổi tiếng về ăn uống như Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), có thể dễ dàng nhận thấy tình cảnh khó khăn của ngành kinh doanh ăn uống. Những con đường này trước đây chói lòa ánh điện, âm nhạc sôi động và khách vào ra nườm nượp thì nay kinh doanh ế ẩm, vắng khách, nhiều nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Vào đến trung tâm thành phố, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng than khó vì khách ít, doanh thu giảm không đủ bù chi phí.
Anh Đặng Thái Dương, chủ quán nhậu Bros (quận 1), cho biết trong năm nay lượng khách vãng lai giảm khoảng 30 - 50%. Doanh thu theo đó cũng giảm tương ứng, không tạo ra được nguồn khách mới.
"Các chương trình khuyến mãi, marketing không còn hiệu quả cao. Tỉ suất lợi nhuận cũng giảm, mặc dù tình hình kinh tế chung rất khó khăn nhưng giá cả nguyên vật liệu, bia lại tăng cao, giá bán ra thì không tăng theo được", anh Dương than.
Tương tự, chủ quán Thái Aroy Garden (quận 1) cũng cho biết các chỉ số kinh doanh của quán đi xuống khá sâu.
"Năm ngoái có nhiều hoạt động giải trí trở lại sau dịch COVID-19; trong khi năm nay suy thoái kinh tế, các hoạt động bị cắt giảm, lại gặp quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông", anh chủ quán nói.
Doanh nghiệp bia rượu "tìm cách sống"
Khách hàng tại các quán ăn nhậu giảm kéo theo doanh số của các công ty bia rượu rơi vào tình cảnh sụt giảm. Để "sống" qua thời điểm khó khăn, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia rượu đã tung ra nhiều giải pháp như sản xuất bia không cồn, giảm giá bán, tăng khuyến mãi... Tuy nhiên, cuộc chiến tăng doanh số, giành thị phần đang rất cam go.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đức Lộc, giám đốc Công ty Kiết Tường (TP.HCM), cho biết dù chỉ tăng giá bán 10% lên 149.000 - 198.000 đồng/chai rượu nhưng từ đầu năm đến nay sức mua đối với rượu Kiết Tường giảm mạnh.
"Sức mua từ đầu năm đến nay giảm bình quân khoảng 40% so với thời điểm ổn định, lượng sản xuất vì thế giảm còn khoảng 3.000 chai/tháng", ông Lộc thông tin.
Lý giải mức giảm này, ông Lộc cho rằng đã cố gắng kìm giá bán và tăng khuyến mãi như "mua 10 tặng 1"... nhưng nhiều hàng quán cho biết lượng khách giảm 40 - 50% so với mọi năm nên hạn chế nhập rượu.
Trong khi đó, ngành rượu ngoại nhập cũng đang "khó sống". Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phong, đại diện một hãng rượu ngoại lớn tại TP.HCM, cho biết mức tiêu thụ từ đầu năm đến nay giảm dần, trong đó quý 3 giảm đến hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Phong, đặc thù ngành rượu là kênh bán mang đi chiếm 80% (bán tại cửa hàng, đại lý), bán dùng tại chỗ (hàng quán) chiếm 20%. Tuy nhiên, cả hai kênh đều giảm.
"Đối với rượu, do nhu cầu biếu tặng tăng cao nên thường ba tháng cuối năm chiếm khoảng 70 - 80% tổng lượng bán ra của cả năm. Nhưng đến nay doanh nghiệp, đại lý hỏi mua rượu, làm khuyến mãi gần như vắng bóng. Tết năm nay chắc khó", ông Phong nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo công ty bia tại TP.HCM không nói rõ số liệu nhưng cho biết: "Nhìn "sức khỏe" các quán nhậu sẽ đánh giá được tình trạng kinh doanh ngành bia rượu". Dù doanh số giảm, các hãng sản xuất và kinh doanh rượu bia vẫn phải liên tục thay đổi cách tiếp thị để cạnh tranh với các đối thủ như tăng chiết khấu, tăng chi phí cho nhân viên tiếp thị, hỗ trợ nhà hàng, quán nhậu...
"Thắng thua trong ngành giờ phụ thuộc vào bí quyết marketing, kế hoạch kinh doanh liên tục điều chỉnh. Tất cả doanh nghiệp đều phải tranh giành thị phần ở kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu", vị này nhận định.
Thêm nhiều loại đồ uống không cồn
Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay, bia không cồn được kinh doanh với đủ các thương hiệu trong và ngoài nước. Hầu hết đều được quảng cáo có độ cồn thấp, dưới 0,5%. Các loại bia không cồn có xuất xứ từ Đức, Hà Lan, Nhật Bản... có giá từ 20.000 - 40.000 đồng mỗi lon. Ngoài ra, còn có loại bia có hương vị trái cây như Tiger Soju...
Đại diện Heineken cho rằng dù thị trường đang khó khăn, hãng tiếp tục tung ra một danh mục sản phẩm đa dạng nồng độ cồn thấp. Có thể kể đến như thức uống đại mạch Heineken...
Cần có giải pháp thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ, bán lẻ
Bà Chu Thị Vân Anh, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng các doanh nghiệp thuộc ngành luôn tuân thủ pháp luật, đóng góp lớn vào ngân sách, ước tính 60.000 tỉ đồng/năm.
Thời gian qua, giá nguồn nguyên liệu của ngành đồ uống tăng từ 15 - 30%, doanh nghiệp phải tăng giá bán từ 8 - 10% để bù đắp lại các chi phí, dẫn đến sức mua giảm kéo theo sản lượng sản xuất giảm.
"Cần có giải pháp thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ, ngành bán lẻ phát triển vì đây là những ngành hàng quan trọng trong chuỗi. Đồng thời cân nhắc áp dụng chính sách giảm thuế VAT ngành đồ uống trong năm 2024".
Nỗi buồn của ngành rượu bia
Báo cáo tài chính bán niên 2023 Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) ghi nhận 964 tỉ đồng doanh thu nửa đầu năm nay, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu xấp xỉ giá vốn, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Sabibeco âm hơn 50 tỉ đồng. Sau trừ chi phí, Sabibeco lỗ sau thuế gần 52 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 38 tỉ đồng.
Sau khi đạt mức lợi nhuận kỷ lục gần 1.800 tỉ đồng vào quý 2-2022, lãi hãng bia Sài Gòn (Sabeco) cũng liên tục đi xuống.
Báo cáo tài chính quý 3-2023 Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn - Sabeco cho thấy chín tháng đầu năm, Sabeco đạt 22.125 tỉ đồng doanh thu và lãi sau thuế 3.288 tỉ đồng, giảm lần lượt 12% và 25%. Theo lãnh đạo Sabeco, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với năm ngoái do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn. Ngoài ra, còn do "việc thực hiện chặt chẽ nghị định 100".
Trong bối cảnh cầu yếu, Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) tỏ ra "hụt hơi" hơn khi lãi chín tháng đầu năm chỉ đạt 291 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu thuần kỳ này Habeco đạt 5.510 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Kết quả kém tích cực của hãng bia Hà Nội chủ yếu do biên lãi gộp giảm.
Lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do tăng giá nguyên vật liệu. Nhà sản xuất bia nội địa lớn thứ hai thị trường cùng nhận xét, cạnh tranh rất "gắt" và xu hướng tiêu dùng trong dân giảm.
Dù vậy, ngành bia vẫn còn đỡ chật vật hơn rượu bởi nhiều thương hiệu rượu ngày càng đuối sức trong cuộc chiến giành thị phần.
Chín tháng đầu năm nay, Halico - chủ Hãng Vodka Hà Nội lỗ 5,6 tỉ đồng, dù giảm nhẹ so với mức lỗ 8,1 tỉ đồng cùng kỳ nhưng tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, cổ phiếu VTL của Vang Thăng Long còn rơi vào diện hạn chế giao dịch từ tháng 5-2023 do vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính năm 2022.
Cậu bé 14 tuổi là thủ phạm bỏ thuốc độc vào sữa dẫn đến cái chết của cha và bà nội, lời giải cho vụ ngộ độc chấn động mấy ngày qua càng làm cho vụ việc rúng động hơn nữa.