Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), sau khi A0 tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 776 tỉ đồng.
Đề xuất phương án tăng vốn điều lệ lên 2.677 tỉ đồng
Theo tính toán, mức điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp này năm 2024-2025 sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu xác định theo quy định pháp luật, dựa vào rà soát tiến độ thực tế các dự án đầu tư và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm.
Nguồn bổ sung vốn điều lệ sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu - Bộ Công Thương, quyết định trên cơ sở xác định vốn điều lệ hằng năm theo quy định nghị định 91/2015 và nguồn bổ sung từ quỹ đầu tư phát triển và ngân sách nhà nước.
Cũng theo EVN, để có vốn lưu động cho NSMO hoạt động sau khi tách khỏi tập đoàn này, sẽ lấy từ nguồn chi phí điều độ vận hành hệ thống điện (SMO) và điều hành giao dịch thị trường điện. Hiện thông tư chi phí SMO và điều hành giao dịch thị trường điện (thông tư giá SMO) đang được Bộ Công Thương soạn thảo, lấy ý kiến.
Chi phí, giá SMO sẽ được đưa vào phương án giá bán lẻ điện hằng năm để thu hồi từ khách hàng dùng điện. Việc thanh toán chi phí SMO hằng tháng cho hoạt động của NSMO sẽ theo hướng dẫn tại thông tư do Bộ Công Thương ban hành.
EVN cũng đề cập tới hai khoản vay đang cấp vốn cho A0. Bao gồm khoản vay dự án Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia mới, còn dư nợ tại thời điểm 31-8-2023 là hơn 1,56 triệu USD; và khoản vay dự án cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh trên 1,34 triệu USD.
Hạch toán khoản vay để thực hiện nghĩa vụ trả nợ
Theo quy định về quản lý nợ công, hiện đề án đã đề xuất Thủ tướng chấp thuận bàn giao 2 khoản vay này từ EVN sang NSMO sau thành lập.
NSMO sẽ ký hợp đồng vay lại, hợp đồng thế chấp tài sản và trả nợ với cơ quan cho vay lại. Tuy nhiên, trong thời gian hoàn thiện thủ tục chuyển giao nghĩa vụ nợ, EVN tiếp tục trả nợ cho các cơ quan cho vay lại và NSMO sẽ hoàn trả EVN.
Về nghĩa vụ trả nợ, EVN đề xuất Bộ Tài chính chấp thuận kiến nghị về chuyển giao nghĩa vụ nợ cho NSMO. Trường hợp bộ không chấp nhận, thì có hướng dẫn việc xử lý, hạch toán số dư nợ vay, nghĩa vụ trả lãi và phí khoản vay giữa EVN và NSMO, để tập đoàn này có cơ sở thực hiện.
Để giảm áp lực khó khăn trong giai đoạn đầu hoạt động, EVN cũng đề xuất cơ chế vốn áp dụng từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vay lãi suất thấp, kéo dài thời gian ân hạn và trả nợ gốc cho các hoạt động đầu tư phát triển.
Đồng thời xem xét cơ chế hỗ trợ thu xếp vốn đầu tư cho NSMO qua nguồn đầu tư công, ODA, bảo lãnh hoặc hỗ trợ cơ chế vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng. Với các dự án năm 2024-2025, EVN kiến nghị cơ chế đặc biệt (miễn trừ một số điều kiện vay) để NSMO có thể vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại.
Với các dự án 2026-2030, vốn cho các dự án đầu tư của NSMO được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tiếp nhận quản lý Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Bộ Công Thương đồng tình với đề nghị về việc tạm ứng tiền từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để A0 duy trì hoạt động.