Nhân Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023 tại San Francisco (Mỹ), Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên gặp lại Tổng thống Joe Biden sau hơn một năm. Hai nhà lãnh đạo tỏ ra thân thiện mặc dù những rạn nứt vẫn ẩn giấu bên dưới bề mặt.
Câu chuyện của hai nhà lãnh đạo bên chiếc xe
“Đây là một chiếc xe đẹp”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét khi tạm biệt Chủ tịch Tập Cận Bình trước tòa nhà ở điền trang Filoli, ngoại ô San Francisco, sau cuộc họp thượng đỉnh.
“Nó được sản xuất tại Trung Quốc - một chiếc Hongqi (Hồng Kỳ)” - ông Tập trả lời khi đang đứng cạnh chiếc limo (dòng xe hạng sang) chống đạn chạy bằng động cơ V12 của mình. Ông nói tiếp: "Ông mở cửa nhìn xem!".
Ông Biden làm như vậy và sau đó chỉ vào chiếc xe limo tổng thống của chính mình: "Nó giống như chiếc Cadillac đằng kia của tôi. Nó tên là The Beast".
“The Beast” (quái thú) theo chân Tổng thống Biden ở khắp mọi nơi trên thế giới, cũng như đã đồng hành với một số tổng thống Mỹ trước ông.
Điều tương tự cũng diễn ra với ông Tập. Ông mang theo hai chiếc xe Hồng Kỳ, dù ông chỉ mới sử dụng chúng cho các chuyến công du ngoại giao cách đây một năm.
Đây là lần đầu tiên dòng xe limousine của lãnh đạo do Trung Quốc sản xuất chạy trên đường phố Mỹ.
Ý nghĩa mang tính biểu tượng của tình tiết này rất rõ ràng với cả ông Tập và công chúng Trung Quốc, nó cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh, một sự tự tin có thể được cảm nhận, nhìn thấy và thậm chí là chạm vào.
"Ông chẳng thay đổi chút nào”
Mạng Weibo của Trung Quốc đã quảng bá “chuyến đi của ông Tập đến San Francisco”, cũng như đăng ảnh chụp màn hình trang X (Twitter) của phát ngôn viên Chính phủ Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ San Francisco, kể về việc ông Biden cho ông Tập xem bức ảnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc từ những năm 1980.
Bức ảnh chụp ông Tập Cận Bình thời trẻ đứng trước cầu Cổng Vàng ở San Francisco trong lần đầu tới Mỹ.
Chỉ vào bức ảnh trong điện thoại với nền là cầu Cổng Vàng, Tổng thống Biden hỏi Chủ tịch Tập:
- “Ông có biết chàng trai trẻ này không?”.
- “Ồ vâng, đã 38 năm rồi”, Chủ tịch Tập nói.
Sau đó, Tổng thống Biden dường như đã nói: “Ông chẳng thay đổi chút nào".
Giao tiếp rất quan trọng
Abigael Vasselier, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, cho biết: “Việc các kênh liên lạc được mở lại tự nó đã là một thành công”.
Điều này cũng được Tổng thống Biden nhấn mạnh cả hai ông đều "đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể trả lời trực tiếp cho cuộc gọi của nhau và sẽ được lắng nghe ngay lập tức".
Hội nghị thượng đỉnh San Francisco cũng sẽ được coi là tín hiệu gởi đến các đồng minh của Mỹ để họ bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Và sự tan băng rõ ràng có tác động toàn cầu: Mỹ và Trung Quốc đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc và Mỹ cùng xác nhận nguyên thủ hai nước là ông Tập Cận Bình và ông Biden sẽ hội đàm tại San Francisco vào giữa tháng 11, tròn một năm sau lần gặp cuối cùng của cả hai.