Những phát hiện bất ngờ khi "đi tua"
Thầy Đinh Công Hữu, một trong bảy giám thị ở cơ sở 1 Hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ trong suốt thời gian làm việc tại trường, ông và cộng sự chủ yếu là đi và đứng, hiếm khi ngồi.
Có mặt vào lúc 6h sáng mỗi ngày, tổ giám thị phải chia nhiệm vụ để người thì đón học sinh từ ô tô xuống, người ở cổng trường, người phụ trách tại hành lang, căng tin...
Học sinh bắt đầu giờ học, các giám thị cũng bắt đầu "đi tua" dọc hành lang, cầu thang, nhiều khi có dấu hiệu bất thường thì có thể kiểm tra cả toilet.
Giờ học sinh giải lao, ăn và ngủ trưa lại là những giờ cao điểm của giám thị. Họ phải để mắt khắp mọi ngõ ngách trong trường. Giám thị cũng là những người về sau cùng khi đã kiểm tra mọi thứ đảm bảo an toàn.
Học sinh Trường Marie Curie khá nề nếp nên không có nhiều sự vụ lớn. Nhưng khi đi "tua", các giám thị cũng phát hiện nhiều chuyện.
Những vấn đề bất thường giáo viên chủ nhiệm trực tiếp xử lý, nếu cần thiết trao đổi thêm với phụ huynh.
Nhưng đôi khi những biểu hiện của học sinh âm thầm mà tình cờ những người ở "vòng ngoài" như thầy giám thị lại biết trước.
"Tôi từng thấy một học sinh đứng khóc ngoài hành lang.
Gặng hỏi, em mới nói bị điểm kém nên buồn nhưng không dám nói với bố mẹ, cũng không muốn chia sẻ điều đó với ai.
Tôi trò chuyện một lúc với em học sinh và thấy em vui vẻ trở lại. Những chuyện nhỏ như thế lặp lại nhiều với những tình huống khác nhau, học sinh khác nhau...
Dần dần, nhiều đứa trẻ cởi mở với thầy giám thị. Có những điều khó nói với thầy, cô hay bố mẹ, chúng lại dễ kể ra với thầy giám thị khi gặp thầy ở hành lang, sân trường, hay cùng thầy giám thị chơi bóng trong giờ giải lao", thầy Hữu kể lại.
Cũng vì "thân với học sinh" mà thầy giám thị có thể phát hiện những vấn đề cần xử lý, như một học sinh ở Trường Marie Curie lấy flycam của bố mang tới lớp để định trình diễn cho các bạn xem trong thời gian học tại trường.
Thầy Nguyễn Minh Tuấn, giám thị Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), kể cũng nhân "đi tua" mà thấy học sinh truyền nhau xem bức ảnh một học sinh kháo nhau về một vụ "giải quyết mâu thuẫn" ở bên ngoài nhà trường, hay đăng một bức ảnh trên TikTok với hành vi không đẹp... Những thông tin đó đều được kiểm chứng và có cách ngăn ngừa sớm để học sinh không sa đà vào các hành vi sai trái.
"Mấy năm trước, tôi từng bắt gặp một học sinh ngồi một mình trong góc vắng. Em này từng sử dụng thuốc lá điện tử bị phát hiện và chịu mức kỷ luật theo quy định của trường.
Khi trò chuyện với tôi, em nói bố mẹ hà khắc, luôn áp đặt mà không để ý đến cảm xúc của em. Vì thế, bố mẹ và con rất ít đối thoại, về nhà là em vào phòng đóng cửa không muốn giao tiếp. Việc hút thuốc cũng là cách chống đối bố mẹ.
Tuy có những học sinh hễ mắc lỗi là có thói quen đổ lỗi cho ai đó. Nhưng ở em học sinh này, tôi có cảm giác em gặp vấn đề khó khăn tại gia đình thật.
Em cần ai đó lắng nghe và tin mình. Chuyện của em sau này ổn hơn, tôi và cô giáo chủ nhiệm có gặp bố mẹ em nhiều lần. Và họ cũng nhận thấy phải cải thiện cách ứng xử với con", thầy Tuấn cho biết.
Nhớ tên, nhớ việc vì có mặt ở mọi nơi
Thầy Bùi Anh Đức, giám thị Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), kể mình có thể nhớ hầu hết tên những học sinh ở khu vực phụ trách. Không chỉ gặp và chào các em ở cổng trường mỗi sáng, thầy gặp ở hành lang, ở căng tin.
"Đi qua chỗ học sinh để đồ, tình cờ thấy một học sinh mở tủ, nhìn tên em ghi ngoài cánh tủ là tôi biết tên. Những chi tiết nhỏ như thế lặp lại nhiều lần, nên tôi ghi nhớ tên các em, biết cả tính tình, những sự vụ khác nhau liên quan tới học sinh", thầy Đức cho biết.
Phụ trách khối học sinh THPT nên thầy Đức kể có nhiều học sinh lớp lớn nảy sinh tình cảm. Nhìn chung các thầy, cô tôn trọng vấn đề riêng tư của học sinh nhưng phải trong khuôn khổ. Và để giúp trò giữ được "trong khuôn khổ" thầy giám thị phải có trách nhiệm, một yêu cầu công việc nhạy cảm, cần nhiều sự tinh tế.
Các lớp học đều có camera nên sau mỗi buổi học, khi có những "cặp đôi" nán lại thì thầy phải nhắc nhở để các em không có hành vi quá mức.
Dần dần thầy biết hết các cặp đôi trong trường, bạn nào vẫn thân thiết, bạn nào không còn thân thiết. Vô hình trung, thầy giám thị trở thành người chứng kiến những mối tình học trò.
Thầy Đức còn là "người thầy tìm đồ" của học sinh. Hễ học sinh nào để quên, để thất lạc đồ lại tìm đến. "Có những em quên cả đồ đắt tiền. Quên nhiều quá và có thể cũng tin đã vào tay thầy thì không lo mất, nên có trường hợp đã thông báo rồi mà học sinh còn chưa đến nhận lại", thầy Đức kể.
Đối xử công bằng, giúp đỡ thay vì ra lệnh
Thầy Đức nhớ lại thời kỳ đầu mới về trường, đôi khi còn bị học sinh phản ứng bằng thái độ ngang bướng, thách thức khiến thầy phải cầu cứu ban giám hiệu. Nhưng bây giờ thì không còn chuyện đó.
"Tôi tâm niệm, ứng xử với học sinh phải công bằng, đúng mực. Muốn thế cần nhẫn nại, cần kìm nén cái tôi. Nếu tôi nổi nóng học sinh sẽ không phục.
Nếu tôi thiếu công bằng, nghiêm với bạn này, nhưng dễ dãi, bỏ qua cho bạn kia, học sinh cũng không phục. Giữ nguyên tắc đó, dần dần tôi cảm thấy cái nhìn của các em với mình thay đổi", thầy Đức kể.
Thầy Đinh Công Hữu lại kể câu chuyện những ngày đầu năm học khi trường đón học sinh lớp 1 khá vất vả. Có cháu khóc nhè, có cháu nhất quyết không chịu rời tay mẹ. Tổ giám thị khi đó trở thành những người thầy dỗ dành.
"Dỗ dành, vỗ về, rồi cả cõng những đứa trẻ vào lớp. Ở thành phố, bọn trẻ thường được bố mẹ chiều chuộng, nên bỡ ngỡ xa lạ với môi trường giáo dục mới. Trong tình huống đó khó có thể ra lệnh, mà tìm cách giúp trẻ vượt khó trước rồi dần dần giúp trẻ tự tin hơn", thầy Hữu chia sẻ.
Rất cần thầy giám thị
Thầy giám thị, có nơi còn gọi là thầy quản nhiệm hiện nay chủ yếu có ở các trường tư thục, trường công lập tự chủ. Vì chỉ các trường theo mô hình này mới có kinh phí tuyển dụng vị trí việc làm này.
Với các trường công, nhiều công việc của thầy giám thị được giao cho giáo viên chủ nhiệm gánh gồng, một số việc khác giao cho tổ bảo vệ, bộ phận làm gián tiếp.
Theo các hiệu trưởng trường phổ thông, vai trò của thầy giám thị rất cần, nhất là ở những môi trường dễ xảy ra sự vụ liên quan tới học sinh, những nơi học sinh chưa ngoan, bị đối tượng bên ngoài lôi kéo, rủ rê làm các việc vi phạm quy định pháp luật.
Nhưng vướng mắc về cơ chế khiến các trường công khó có thể thực hiện.
Ở nhiều trường có kinh phí cho vị trí việc làm này thì lương cho giám thị cũng không cao. Trong khi áp lực công việc rất lớn. Nhiều người đến và đi trong một thời gian ngắn. Những ai bám trụ được nhiều năm, phải có đủ kiên nhẫn và cả tình cảm.
_____________________________________________________
Tuy không đứng trên bục giảng, tuy không phải là chuyên gia tâm lý nhưng nhiều thầy giám thị đã hóa giải được mâu thuẫn giữa học sinh với cha mẹ các em...
Kỳ tới: Chiếc cầu nối thấu hiểu giữa học trò và cha mẹ
Một học sinh chữa được bệnh ngủ quên hay một học sinh khác thay đổi hoàn toàn cách ứng xử bắt đầu bằng việc chủ động chào hỏi là những chuyện tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại khiến các thầy cô giám thị rơi nước mắt vì mừng.