* TS Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt):
Phải giải quyết dứt điểm 3 vấn đề
Muốn triệt tiêu hoàn toàn chuyện dạy thêm, học thêm ở nước ta thì phải tìm ra gốc rễ của vấn đề. Vì sao học sinh học thêm, phụ huynh cho con đi học thêm? Có nhiều câu trả lời cho những lý do này nhưng tựu trung lại vẫn chủ yếu ở các nguyên nhân: học sinh học trên trường nhiều thời gian nhưng không hiểu bài, bị điểm kém, bị điểm thấp, áp lực thi cử...
Bên cạnh đó còn có lý do cha mẹ muốn con thi vào trường tốt, đậu trường tốt, có thành tích cao.
Câu hỏi tiếp theo: Vì sao giáo viên dạy thêm? Tôi biết có những giáo viên có mức sống tốt, nhà có điều kiện thì thường không thích dạy thêm, không mở lớp dạy thêm.
Ngược lại, những giáo viên khác vì cơm áo gạo tiền thì thường sẽ dạy thêm. Một số giáo viên giỏi, tiếng lành đồn xa nên học sinh tìm đến xin học thêm "đuổi" không hết. Nhưng có một số giáo viên, vì cơm áo gạo tiền, để có thể dạy thêm cũng có khi phải dùng đến việc "cầm cân nảy mực" ở trên lớp để học sinh đăng ký học thêm với mình.
Vì thế, muốn triệt tiêu hoàn toàn chuyện dạy thêm, học thêm thì cần phải giải quyết tận gốc các bài toán nêu trên.
Đó là, thứ nhất ngành giáo dục phải giải quyết được việc thay đổi cách đánh giá học sinh. Cách đánh giá học sinh qua kiểm tra, thi cử hiện nay thực sự gây ra áp lực lớn cho người học.
Tất cả môn học đều kiểm tra, đều đánh giá bằng điểm số, đều là thành tích để xét cho học sinh lên lớp, vào trường... sẽ dẫn tới cuộc chạy đua không mệt mỏi giữa học sinh với học sinh, phụ huynh với phụ huynh. Ngành giáo dục cần phải soi lại cách đánh giá của Việt Nam so với thế giới (ở bậc phổ thông) để có việc đổi mới phù hợp.
Thứ hai, nếu so sánh chương trình thì chương trình phổ thông của Việt Nam ở những môn tự nhiên như toán, lý, hóa cao hơn so với các nước châu Âu, Mỹ. Nhưng điều quan trọng nhất là việc dạy của Việt Nam chủ yếu vẫn theo phương pháp ghi nhớ, nên ngay cả những môn xã hội thì việc học của học sinh cũng nặng nề.
Nên muốn học sinh không học thêm thì phải giảm tải chương trình thực chất bằng cách giảm tải nội dung học cũng như thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá học sinh.
Thứ ba, giáo viên phải đảm bảo chất lượng dạy học, chịu trách nhiệm dạy học để học sinh không phải đi học thêm. Muốn vậy, Nhà nước phải có những quy định trong đánh giá giáo viên về chất lượng dạy học cũng như đảm bảo lương giáo viên phải đủ sống và pháp luật phải chặt chẽ trong quy định về dạy thêm, học thêm.
Luật dành cho giáo viên đã hợp đồng với nhà trường toàn thời gian thì không cho việc dạy thêm ở nhà. Những giờ dạy phụ đạo ở trường cho học sinh yếu thì nhà trường phải hỗ trợ chi phí cho giáo viên.
* Ông Nguyễn Tấn Đại (Đại học Strasbourg, Pháp):
Không thể dùng biện pháp hành chính
Ngăn chặn dạy thêm, học thêm không thể đến từ biện pháp hành chính. Nhiều năm nay chúng ta vẫn loay hoay giải quyết bài toán này vì đã áp dụng biện pháp hành chính mà không giải quyết vào gốc rễ của vấn đề.
Việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ hai vấn đề chính đó là thu nhập của giáo viên và phương pháp sư phạm của giáo viên.
Nhu cầu học thêm của học sinh xuất phát từ việc chương trình nặng, cách thức kiểm tra đánh giá theo hướng ghi nhớ. Thầy cô trên lớp với sĩ số học sinh cao, lo không xuể và không thể chăm sóc tường tận cho học sinh, không có thời gian cá thể hóa học trò...
Hệ quả là học sinh không hiểu bài, từ đó nảy sinh nhu cầu học thêm. Một số ít giáo viên nhân việc này lại đẩy thêm một bước nữa như cho bài kiểm tra khó, cho học sinh điểm thấp... để học sinh có nhu cầu đi học thêm với mình. Như vậy, việc đi học thêm hay không là do chương trình, do cách dạy của các thầy cô.
Người thầy phải có trách nhiệm, phải làm tốt vai trò trên lớp thì sẽ không dẫn đến dạy thêm tràn lan. Muốn vậy, Nhà nước phải chú trọng, phải đảm bảo lương thưởng, đãi ngộ cho giáo viên.
Khi Nhà nước trả đúng, trả đủ cho giáo viên thì Nhà nước phải kiểm soát về phương pháp sư phạm. Phương pháp sư phạm của giáo viên phải tính đến nhu cầu cá thể hóa cao, tiếp cận với người học theo tinh thần trách nhiệm của người giáo viên, đánh giá học sinh không theo hướng ghi nhớ...
Không nên xếp dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện
Theo tôi biết thì ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng... Luật Đầu tư năm 2020 quy định 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Với câu hỏi có nên đưa việc dạy thêm vào ngành,nghề kinh doanh có điều kiện hay không, tôi - một người có 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa - xin chân thành trả lời: không nên!
Hoạt động dạy thêm là sử dụng thời gian "rảnh việc chính" để dạy, có thể dạy lại hoặc dạy sâu hơn, rộng hơn những gì có trong chương trình hoặc không có trong chương trình.
Người dạy là giáo viên hay sinh viên có năng lực khá, giỏi. Người ta có thể dạy thêm các môn văn hóa, năng khiếu, thể thao, kỹ năng sống... , nhiều nhất là dạy thêm ngoại ngữ. Người học có già, có trẻ, có nam, có nữ, không những học thêm lúc đang học (phổ thông, đại học) mà học thêm cả lúc đi làm hoặc về hưu.
Tôi nghĩ cái gì cuộc sống cần, nói chung là chính đáng, nên ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để ai cũng cảm thấy hạnh phúc.
Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học sinh tiểu học, 6 - 10 tuổi, học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng phải học thêm, học đến mức các con mụ mị, mất cả thời gian nghỉ ngơi cần thiết.
Học sinh THCS, THPT cũng học thêm nhiều buổi trong tuần. Học sinh trường chuyên còn đi học nhiều hơn trường không chuyên. Các con muốn đi học thêm cũng có. Bố mẹ bắt đi học thêm cũng có. Tệ hại nhất là giáo viên ép học trò đến lớp của mình để học thêm...
Khái niệm "học thêm tràn lan" được hiểu là quá mức cần thiết do bố mẹ, thầy cô ép buộc. Cá nhân tôi phản đối kịch liệt việc "dạy thêm tràn lan", nhưng ngược lại, hoan nghênh việc dạy thêm hợp lý và học thêm hợp lý. Tuy vậy, tôi thấy kiến nghị đưa dạy thêm, học thêm vào quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì lại không nên.
Việc "dạy thêm tràn lan" là một điều nhức nhối nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; cũng không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội; không làm tổn hại nhiều đến đạo đức... Vì thế không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong Luật Đầu tư 2020.
Bộ GD-ĐT đã có thông tư về chống "dạy thêm tràn lan", nhiều địa phương cũng có các giải pháp, nhưng chưa thực sự làm tốt. Vì sao chưa làm tốt? Cần đi tìm nguyên nhân, giải quyết từng vấn đề tận gốc và khắc phục dần. Chứ không nên xem nó như một ngành nghề như các ngành nghề khác, dù là "có điều kiện".
NGUYỄN XUÂN KHANG (hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Marie Curie Hà Nội)
Cần cư xử có tình, có lý với giáo viên
Xã hội nên nhìn nhận cư xử có tình có lý đối với giáo viên. Dẫu sao giáo viên vẫn bỏ sức mình, nghề nghiệp của mình để mưu sinh. Dù họ có phạm vào quy định thì cũng "vừa giận, vừa thương" vì nhà giáo nghèo quá, lương thấp quá mà phải gánh trọng trách lớn quá. Họ kiếm sống bằng nghề cũng để duy trì nghề thì có đáng bị lên án như những hành vi sai phạm khác không?
Trước khi nhằm vào giáo viên để xử lý, lên án, tôi mong hãy tìm hiểu giải quyết rốt ráo hơn nhiều vấn đề như chương trình còn nặng, phương pháp dạy học chưa tốt, quản lý chuyên môn chưa hiệu quả, thi cử áp lực, nặng nề và đãi ngộ cho nhà giáo chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
(một thầy giáo của một trường tư thục tại Hà Nội)
Nhiều học sinh học hai buổi/ngày, tối tiếp tục đi học thêm đến 21h và thường phải thức dậy lúc 3h-4h sáng để tiếp tục làm bài.