Tháng 10/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vượt qua mốc 1,11 triệu lượt. Đây đã là tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam đón nhận số lượng khách quốc tế vượt quá 1 triệu lượt/tháng. Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài ra, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa.
Những con số cho thấy, du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với trước đây. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2018, 2017, Việt Nam cũng đón lần lượt gần 15,5 triệu lượt và gần 13 triệu lượt khách quốc tế.
Một số quốc gia láng giềng như Thái Lan hiện đã đón 19 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm. Singapore, với diện tích chỉ nhỉnh hơn một chút so với đảo Phú Quốc, cũng đặt ra mục tiêu dự kiến là 12 – 14 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Bước vào mùa cao điểm hay còn gọi là thời điểm vàng của du lịch quốc tế, ngành du lịch cần làm những gì để tăng tốc, tạo đà đột phá cho những tháng cuối năm và năm 2024?
Nói về con số 10 triệu khách quốc tế trong 10 tháng, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, ngành du lịch trong năm qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để du lịch Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.
"Tuy vậy, ngành du lịch Việt Nam mới chỉ đạt được 70% so với trước dịch COVID-19 và ngành cần phải giải quyết nhiều vấn đề để trong thời gian tới để có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Ông Khánh cũng cho biết, dự kiến, cả năm 2023, ngành du lịch sẽ đón khoảng 12 đến 13 triệu lượt khách du lịch, phục hồi ở mức hơn 60% đến 70% so với trước đại dịch COVID-19.
"Tất cả những người làm trong ngành du lịch đều kì vọng con số cao hơn thế vì năm 2019 chúng ta đã đạt được 18 triệu khách. Tôi nghĩ toàn ngành phải xốc lại mạnh mẽ hơn nữa, để chúng ta có thể đạt được con số 18 triệu khách trong thời gian sớm nhất có thể", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.
Từ 15/8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua đã có hiệu lực.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 lên 90 ngày. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày, so với quy định trước đó là 15 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Agoda, số lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng 33% trong hai tuần, ngay sau khi quyết định việc nâng thời hạn visa điện tử (e-visa) lên 90 ngày cho du khách đến Việt Nam.
Số lượt tìm kiếm, quan tâm du lịch đến Việt Nam từ nhiều nước cũng có mức tăng đáng kể như từ Hà Lan tăng 45%, New Zealand tăng 41%, Đức tăng 40%, Mỹ tăng 38%, Australia tăng 31%...
Dữ liệu của Agoda còn cho biết, sự linh hoạt và dễ dàng hơn trong các quy trình cấp visa cùng hoạt động quảng bá và tăng cường các chuyến bay kết hợp đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, Ấn Độ là ví dụ điển hình.
Sau khi Việt Nam đưa ra chính sách cấp e-visa cho công dân Ấn Độ, Ấn Độ từ vị trí thứ 8 đã vươn lên trở thành thị trường quốc tế có lượng đặt phòng lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc.
Các chuyên gia đánh giá, việc nới lỏng chính sách visa ngay trước mùa cao điểm đã tạo hiệu quả tức thì với nhiều dòng khách, trong đó những dòng khách hàng đầu đến Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Từ việc cân đo đong đếm lượng khách đến từ các thị trường mới, có thể điều chỉnh chính sách trong ngắn hạn để phát huy tác dụng.
"Thậm chí, có thể miễn visa trong từng giai đoạn cho những thị trường trọng điểm, để qua đó chúng ta có những đánh giá rút kinh nghiệm, tạo đột phá hơn trong tương lai", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT công ty Viettravel cho biết.
Những thị trường trọng điểm của du lịch quốc tế như: Australia (chi tiêu 4 tỷ USD/năm cho du lịch), Canada (33 tỷ), Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ (21-26 tỷ). Với các doanh nghiệp lữ hành, đây là những thị trường vô cùng tiềm năng mà du lịch Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút nếu áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương.
"Chúng ta có 13 nước có 45 ngày được miễn visa, thật tiếc là không có những nước mà tôi mong muốn ví dụ như Thụy Sỹ, Bỉ, Luxembourg… Đó là những nước mà du khách chi tiêu rất nhiều cho du lịch", ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty du lịch La Palanche nhận định.
Thời gian lưu trú được nâng lên 45 ngày, ngang bằng với các nước trong khu vực nhưng theo các chuyên gia, song hành, cần tăng tốc trong việc xử lý hành chính, rút ngắn cấp thị thực.
Việc nới lỏng chính sách visa đã tháo gỡ một nút thắt, góp phần khơi thông dòng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên chính sách thị thực của chúng ta vẫn bị đánh giá là thiếu sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Singapore hiện miễn visa cho 158 nước, Malaysia miễn 155 nước, Thái Lan miễn 64 nước và đều thời hạn lên đến 90 ngày.
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group kỳ vọng, các hệ thống cấp e-visa sẽ thân thiện, dễ dàng hơn; nới, mở rộng danh sách các nước được miễn visa đến Việt Nam ở những thị trường có sức chi tiêu tốt nhưng khối Schengen, Australia, New Zealand.
Trong khi đó, Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, song song với việc nới lỏng việc cấp thị thực, ngành du lịch cũng có phải sự chuẩn bị kĩ càng, về nhân lực, sản phẩm du lịch… trước số lượng khách quốc tế tăng.
"Nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng, khi lượng khách đến quá đông trong khi chúng ta không có đủ sức chứa, không có người phục vụ, sản phẩm không đủ chất lượng thì liệu có tốt hay không? Có khi lại lợi bất cập hại", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Theo các chuyên gia, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quyết định rất lớn đến việc tạo sự chú ý của khách hàng, định vị thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Nhưng việc tổ chức quảng bá, xúc tiến như thế nào cho bài bản, hiệu quả là vấn đề cần nói đến.
Liên tiếp trong năm 2018, 2019, Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch ở Bắc Mỹ. Năm 2019, 300 doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham gia xúc tiến du lịch Việt Nam ở 2 thành phố lớn của Liên bang Nga. Riêng năm 2018, đã có 4 sự kiện xúc tiến du lịch lớn được tổ chức tại Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khi đó, năm nay đến tận giữa tháng 10 mới có một sự kiện giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong nước cũng chỉ có vài sự kiện như ITE Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội và Đà Nẵng.
Hiện tại nay tất cả các tỉnh thành đều có trang web du lịch nhưng chủ yếu đăng tải thông tin hoạt động của ngành du lịch địa phương mà thiếu thông tin chỉ dẫn về điểm đến, sản phẩm, tour dành cho du khách; hình thức kém hấp dẫn; ngôn ngữ chủ yếu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Một du khách chia sẻ với phóng viên là không thể tìm thấy trang web bằng tiếng Tây Ban Nha nào để tham khảo các điểm đến thú vị, các món ngon cần thưởng thức.
Nhiều địa phương nắm bắt nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi số, đã cho ra mắt những ứng dụng du lịch riêng nhưng vẫn nghèo nàn về ngôn ngữ. Ngay như phần mềm của Cục Du lịch Quốc gia cũng chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, không có tiếng Hàn Quốc hay Trung Quốc, vốn là những thị trường đầy tiềm năng.
"Kinh phí cho công tác xúc tiến du lịch từ nguồn cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam còn hạn chế. Hình thức xúc tiến còn nhiều hạn chế. Chúng ta phải thiết lập những văn phòng xúc tiến quốc gia ở những khu vực trọng điểm. Đây là kinh nghiệm của tất cả các nước trong khu vực.
Thái Lan đã có 30 văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài. Trung Quốc có 5 văn phòng, Malaysia có 32 văn phòng. Trong khi đó Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia nào ở nước ngoài", ông Khánh nói.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, bà Trần Nguyện nhận định, hiện nay việc xúc tiến du lịch chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch của Việt Nam, cũng chưa có chiến lược xúc tiến điểm đến quốc gia một cách bài bản.
"Việc xúc tiến các điểm đến cũng chủ yếu là của các doanh nghiệp hoặc sự liên kết nào đó. Như vậy việc xúc tiến còn manh mún chưa có tính tổng thể", bà Trần Nguyện cho hay.
Ghi nhận của phóng viên, kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, chỉ riêng giá vé máy bay khứ hồi Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng đi Phú Quốc và ngược lại, dao động trong khoảng 6,5 đến 14 triệu đồng.
Trong khi đó, với khoảng chi phí như vậy hoặc thấp hơn, tại cùng thời điểm, du khách đã có thể đăng ký một tour du lịch nước ngoài 5 ngày, trọn gói gồm vé máy bay, lưu trú, đi lại, ăn uống, giải trí. Ví dụ tour Đài Loan (Trung Quốc) có giá khoảng 13 triệu đồng; Hàn Quốc, Trương Gia Giới (Trung Quốc) có giá 14 triệu đồng.
Thậm chí với khoảng 6 - 10 triệu đồng, du khách đã có thể thực hiện một chuyến du lịch Thái Lan.
Sau nghỉ lễ, vào hè, giá vé máy bay không hạ nhiệt, nếu cộng thêm cả các khoản phí lưu trú, ăn ở, di chuyển, giải trí thì mức chi tiêu cho mỗi người trong một chuyến đi Phú Quốc là quá cao. Đây là một câu chuyện điển hình cho thấy việc thiếu liên kết giữa vận chuyển và du lịch.
Mức chi phí cho một chuyến du lịch Phú Quốc bị đánh giá là quá cao so với các tour du lịch nước ngoài
"Chúng ta thiếu những gói sản phẩm mà khi khách hàng khi mua vé máy bay hãng này thì mình được ở khách sạn này với mức giá giảm bao nhiêu %, hay ăn nhà hàng liên kết này được ưu đãi ra sao. Kể cả trung tâm mua sắm nữa, chúng ta chưa có sự liên kết chặt chẽ như thế", bà Phạm Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ du lịch và thương mại Hùng Vương cho biết.
Nhiều du khách cho biết thêm, do giá vé tăng cao, nhiều người chuyển sang chọn những điểm đến gần hơn, di chuyển bằng đường bộ để tiết kiệm chi phí.
Thậm chí, theo các chuyên gia, việc thiếu liên kết này có thể khiến du lịch Việt Nam mất dẫn thị trường nội địa khi khách Việt chuyển sang các nước láng giềng với tour trọn gói chỉ từ 8-10 triệu, bay hàng không 4-5 sao, dịch vụ chuyên nghiệp.
"Chúng tôi rất đau xót khi trong lúc cao điểm nhất, thì một điểm du lịch hấp dẫn như Phú Quốc lại vắng bóng khách du lịch. Phải có người đứng ra, liên kết được với nhau, còn không ai nói với ai thì tăng giá là chuyện bình thường. Đối với các địa phương lấy du lịch là ngành kinh tế quan trọng, thì chính quyền địa phương phải có cơ chế chính sách, kết nối các đường bay, nhất là những chuyến bay thuê chuyến hay tạo sự liên kết giữa hàng không với doanh nghiệp du lịch để tạo nên sức mạnh chung", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.
Để thúc đẩy việc liên kết trong ngành hay giữa các ngành với ngành du lịch, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, rất cần vai trò dẫn dắt của nhà nước, nhằm giúp các mối liên kết hoạt động trơn tru và tạo nên sức mạnh chung.
Một ví dụ được các chuyên gia đưa ra là Thái Lan với vai trò dẫn dắt, kết nối các ngành cùng bắt tay nhau như văn hóa giải trí, du lịch, hàng không, nông nghiệp, thương mại của chính phủ, qua đó tạo nên sức cạnh tranh về chiến lược dài hạn cũng như những chiến dịch tiếp thị ngắn hạn.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm trước dịch, Trung Quốc luôn là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam chiếm khoảng 30%. Còn khách Mỹ là dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày, trung bình, chi tiêu bình quân của một lượt khách Mỹ tại Việt Nam là 1.438 USD.
Sau đại dịch, cũng như các quốc gia khác, du lịch Việt Nam quay trở lại vạch xuất phát. Ba thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm là Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam vẫn chưa cao. Tương tự khách Mỹ cũng vậy. Trong khi, nguồn khách Nga cũng bị ảnh hưởng trầm trọng do xung đột.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc, du lịch Việt Nam cần nhìn nhận lại về thị trường khách quốc tế , trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là mở rộng các thị trường mới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh cần phải cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường truyền thống.
"Chúng ta phải tận dụng khai thác những thị trường tăng trưởng nhanh, những thị trường mà khách ở lại lâu dài hơn, chi trả cao hơn, cũng như các thị trường ngách, chuyên đề mới có sau đại dịch như chăm sóc sức khỏe, thể thao…", ông Khánh cho hay.
Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường mới cần có sự đầu tư để giới thiệu quảng bá, xúc tiến du lịch.
"Thậm chí có những thị trường du lịch sang ta còn ít nhưng nhất thiết phải đầu tư để tạo ra thị trường mới. Còn các doanh nghiệp tiếp tục đi tìm kiếm các ngách của mình", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay.
"May đo sản phẩm" là cụm từ bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group dùng để mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế. Bà Nguyện ví dụ, dòng khách từ các quốc gia Hồi giáo là vô cùng tiềm năng nhưng làm thế nào đón đầu dòng khách này?
"Du lịch Việt Nam phải có những "sản phẩm may đo, thân thiện" với dòng khách đến từ các quốc gia Hồi giáo và việc triển khai các sản phẩm cũng cần rất nhanh", bà Nguyện nhấn mạnh.
Để có các "sản phẩm may đo", đại diện các công ty du lịch cho biết, cần phải nghiên cứu thị trường, văn hóa bản địa, thói quen và khả năng chi tiêu du khách, từ đó mới có phương án cụ thể.
Arab Saudi, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, bốn quốc gia này đã đóng góp 68% tổng lượng khách của khu vực châu Á. Thị trường Trung Đông cũng được đánh giá là rất triển vọng với thu nhập bình quân đầu người một số quốc gia thuộc top cao của thế giới nên khách thường đi du lịch dài ngày, có khả năng chi trả cao nhưng cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ xứng tầm.
Ông Atanu Dey, Giám đốc điều hành Công ty CTTT toàn cầu cho biết: "Việt Nam là thị trường rất tiềm năng với khách du lịch Hồi giáo. Các bạn cần marketing nhiều hơn để quảng bá với du khách".
Để tăng thời gian lưu trú, chi tiêu, tạo dấu ấn khác biệt với du khách, để họ mong muốn quay trở lại nhiều lần, việc liên tục sáng tạo và đổi mới sản phẩm du lịch, theo các chuyên gia, luôn là yếu tố sống còn đối với việc phát triển thương hiệu du lịch, tăng sức hút điểm đến.
Thời gian gần đây, nhất là sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng tới đổi mới sản phẩm du lịch mới nhằm tạo sức hút với khách quốc tế như xây dựng các điểm đến đa trải nghiệm, phát triển du lịch đường hàng không, đường bộ và du lịch tàu biển, kể cả du lịch golf, du ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện hội nghị hội thảo (MICE).
Theo các chuyên gia, cũng nên quy hoạch một số điểm đến đặc biệt dành cho khách quốc tế cao cấp như Phú Quốc, đưa đảo Ngọc trở thành điểm đến sang trọng giống như Maldives hay Bali, xây dựng đặc tính riêng, dịch vụ riêng, mức giá riêng, để câu chuyện Phú Quốc không còn luẩn quẩn mãi vấn đề giá đắt.
Tuy nhiên, để xây dựng tour tuyến, sản phẩm mới lạ, hấp dẫn thì cần phải đẩy mạnh liên kết vùng, vốn khá lỏng lẻo, chưa thực sự bài bản, sản phẩm du lịch vẫn còn trùng lắp, thiếu đặc thù.
"Đây là vấn đề không mới nhưng luôn phải xác định rõ mục tiêu của liên kết hợp tác là gì. Khi liên kết hợp tác phải có những chế tài nhất định để liên kết hợp tác thực chất và hiệu quả", ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay.
Đồng ý với ông Khánh, bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cũng nhấn mạnh khi đã liên kết thì cần có cam kết để việc liên kết có hiệu quả, có gia số, chứ không chỉ là liên kết chung chung. Theo bà Nguyện đây là yếu tố quan trọng thứ 2 bên cạnh việc xúc tiến quảng bá điểm đến quốc gia để du lịch Việt Nam có bứt phá trong thời gian tới.
"Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan xúc tiến du lịch của quốc gia, các doanh nghiệp, các hãng hàng không cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để hợp sức tạo nên những sản phẩm truyền thống xúc tiến quảng bá, đúng với mục tiêu, trúng với nhu cầu của du khách để lấy đà tăng tốc của du lịch Việt Nam", ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.8213631112113202-cot-tub-man-teiv-hcil-ud-ed/et-hnik/nv.vtv