Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 01/6/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU.
Tỉnh Bến Tre đã xác định quy mô và lộ trình cụ thể thực hiện xây dựng vùng sản xuất dừa. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ đạt diện tích 20.000ha và 100ha dừa uống nước, tập trung liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri.
Thông tin với Vietnam+, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, năm 2023, tỉnh phát triển thêm 921,2ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 18.121ha, chiếm 23% diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, có hơn 12.882ha đạt chứng nhận hũu cơ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng vùng sản xuất; xây dựng mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị.
Năm 2023, ngành chức năng tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc tư vấn kỹ thuật, thực hành ủ phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác dừa, xử lý sâu đầu đen hại dừa, thâm canh dừa uống nước trên địa bàn các huyện.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung với diện tích hơn 2.202ha; trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích gần 2.163ha; 1 vùng sàn xuất dừa uống nước với diện tích 40ha. Các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả khá tích cực và đang tiếp tục được mở rộng.
Đặc biệt, Bến Tre chú trọng vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã có thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Hình thức liên kết này được các ngành, các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện xuyên suốt.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức thông tin nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2023, tỉnh phát triển thêm 2 hợp tác xã tham gia xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô hiện liên kết tăng 4.230ha. Đến nay, Bến Tre có 32 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa, với diện tích đạt 23.747ha, chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh. Sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn trên tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688.000 tấn.
Chia sẻ với báo Nhân dân, nông dân Phạm Văn Hà, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) phấn khởi cho biết: “Hơn 4 năm qua, gia đình tôi canh tác canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 1,7ha. Hằng tháng, toàn bộ dừa khô đều được đội nhân công của hợp tác xã đến tận vườn thu hoạch rồi cung ứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường nên nông dân an tâm. Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn cách ủ phân hữu cơ bón cho vườn dừa nên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.
Ông Trần Quốc Ửng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh, cũng cho hay: “Năm 2022, doanh thu của hợp tác xã đạt hơn 11,2 tỷ đồng, lợi nhuận từ dịch vụ khoảng 92 triệu đồng. Trong đó, ước tính lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với hộ sản xuất theo kiểu truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm”.
Ngoài giá trị về kinh tế thì canh tác dừa hữu cơ tại hợp tác xã còn mang lại giá trị về sức khỏe cho người nông dân và người tiêu dùng, đặc biệt là môi trường được bảo vệ trong lành phù hợp với sự phát triển xanh, bền vững.
Bên cạnh phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, hợp tác xã nông nghiệp Thới Thạnh thực hiện dịch vụ sơ chế cơm dừa từ nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ của người dân được Công ty chế biến dừa Lương Quới giao sơ chế gia công. Qua hoạt động sơ chế cơm dừa đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hoạt động sơ chế cơm dừa góp phần hỗ trợ nhà máy chế biến giải quyết dừa không để tồn động, sản phẩm từ dừa luôn bảo đảm chất lượng cao, hạn chế hao hụt do dừa để lâu mà không được sơ chế, chế biến.
“Địa phương xác định xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất”, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết.
Theo Vietnam+, để hỗ trợ bà con nông dân trồng dừa cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, hằng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng của cây dừa Bến Tre, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phấm đặc trưng của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã dừa trên địa bàn bảo đảm hoạt động đúng thực chất, có hiệu quả. Từ đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ giúp tăng thu nhập cho người trồng dừa và bảo đảm nguồn nguyên chất lượng cao đạt chuẩn hữu cơ gắn sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.
Minh Hoa (t/h)