Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngành du lịch tập trung thảo luận giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng du lịch Hải Phòng phát triển tương xứng tiềm năng.
Hạ tầng du lịch được cải thiện nhưng chưa đồng bộ
Các đại biểu đều chung nhận định Hải Phòng có tiềm năng và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc phát triển du lịch, nhưng vẫn bị hạn chế bởi hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, đặc biệt ở hai trọng điểm du lịch là Đồ Sơn và Cát Bà vẫn thiếu những cơ sở lưu trú đẳng cấp.
Theo Sở Du lịch Hải Phòng, thành phố là một trong những địa phương thu hút được các "ông lớn" như: Tập đoàn Vingroup, Sun Group, Flamingo, BRG, Geleximco, Doji... đầu tư vào du lịch.
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2023, Hải Phòng đã thu hút 22 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng vốn gần 124.000 tỉ đồng. Trong đó có 5 dự án đã hoàn thành, 10 dự án đang triển khai.
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền - giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng - cho rằng để du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của thành phố, rất cần thu hút thêm các dự án đầu tư vào du lịch, đồng thời phải khơi thông điểm nghẽn, giải quyết tồn tại, hạn chế.
Theo bà Huyền, Hải Phòng hiện chưa có bến tàu chuyên dụng phục vụ khách du lịch, đủ sức tiếp nhận du thuyền hay những tàu có trọng tải lớn do nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư cho du lịch Hải Phòng chưa được quan tâm đúng mức.
Mặc dù thành phố tổ chức tháo gỡ song vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đất đai và trình tự, thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của các dự án.
Chuyên gia hiến kế thúc đẩy hạ tầng du lịch Hải Phòng
Tại hội thảo, TS Trương Sỹ Vinh - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - đánh giá Hải Phòng đang từng bước trở thành một trong những trung tâm đón và phân phối khách du lịch của khu vực duyên hải Đông Bắc nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.
Để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, thành phố phải thực sự quan tâm đến phát triển du lịch và việc quan tâm này phải là thực chất, được thể hiện ở việc ban hành các nghị quyết, các chính sách ưu tiên phát triển du lịch, sự sẵn sàng của các quy hoạch (tổng thể, chi tiết) về phát triển du lịch trên địa bàn toàn thành phố.
Ngoài ra phải thực hiện nguyên tắc hạ tầng đi trước trong đầu tư phát triển du lịch. Theo đó, cần phát triển hạ tầng giao thông, cung cấp điện nước đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào phát triển du lịch, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính để doanh nghiệp du lịch thuận lợi trong việc đầu tư.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đan Đức Hiệp - nguyên phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - cho rằng cần phải xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư, nhất là ưu đãi với đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, các trung tâm du lịch quốc tế như Cát Bà và Đồ Sơn.
Tăng cường sự hợp tác, liên kết vùng giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm khai thác triệt để, tối đa lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Nghiên cứu dừng hoạt động và thay thế các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng, diesel bằng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường trên đảo Cát Bà và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm về du lịch đang triển khai tại Hải Phòng.
Cũng theo ông Hiệp, Hải Phòng cần khẩn trương triển khai chương trình hành động sau khi UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó cần thống nhất với tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng cầu tàu, khu vực neo đậu tại vịnh Lan Hạ.
Được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ biển, đồng bằng, trung du, miền núi, kết hợp hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, Nghệ An đang trở thành điểm thu hút du lịch trải nghiệm và đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực phía Bắc.